vĐồng tin tức tài chính 365

Những 'cánh én' kỳ vọng giúp Đà Nẵng đón mùa tăng trưởng trở lại

2021-07-10 17:30

Những 'cánh én' kỳ vọng giúp Đà Nẵng đón mùa tăng trưởng trở lại

Nhân Tâm

(KTSG Online) – Việc kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, bao gồm bán lẻ, thương mại điện tử, bên cạnh sản xuất và xuất nhập khẩu, phần nào đó giúp kinh tế Đà Nẵng lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương kể từ khi dịch bệnh bùng phát (năm 2020 Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77% - PV).

Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Việc các doanh nghiệp duy trì sản xuất và xuất khẩu, góp phần giúp Đà Nẵng thoát tăng trưởng âm trong đại dịch. Ảnh: Nhân Tâm

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2021 nền kinh tế toàn thành phố tăng trưởng 4,99%. Điểm sáng lớn nhất và là trụ đỡ cho sự tăng trưởng này là sự tăng trưởng ấn tượng của khu vực dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng khu vực này ước đạt 5,34%, tỉ trọng đóng góp lên đến 85,4% tổng GRDP (Tổng sản phẩm vùng) của thành phố.

Trong đó, hoạt động thương mại (bán lẻ, xuất nhập khẩu...) đóng góp 23,6% vào mức tăng chung và là ngành có mức đóng góp cao nhất trong khu vực dịch vụ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 32.800 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Đà Nẵng ước đạt 1,45 tỉ đô la, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 805,5 triệu đô la, tăng 17,8%; kim ngạch nhập khẩu 643,6 triệu đô la, tăng 13,8%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 161,9 triệu đô la, mức xuất siêu cao nhất 6 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2021.

Ngoài ra, một số dịch vụ cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng như tài chính ngân hàng, kinh doah bất động sản, kho bãi, thông tin & truyền thông….

Để đạt được những con số này có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sản xuất vượt khó

Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng tại KCN Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng là đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc, hàng phụ trợ may mặc xuất khẩu 100% sang thị trường Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng tiêu thụ của thị trường Nhật Bản giảm.

Trước nguy cơ kế hoạch sản xuất của năm có thể bị đe dọa, khó đạt doanh thu mục tiêu, công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng từ đầu năm 2021 đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh, hướng tới tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ.

Bà Lê Thị Hồng Thủy, Giám đốc điều hành công ty, cho biết trong những năm qua công ty chỉ sản xuất và xuất hàng qua Nhật Bản. Tuy nhiên dịch Covid-19 buộc đơn vị phải thích ứng bằng cách tìm thêm các đối tác bên ngoài, mở rộng thị trường. Hiện đơn hàng của công ty đi thị trường Nhật Bản đã có đến hết quý 3 và một số đối tác tiềm năng cũng đang thương lượng có tín hiệu khả quan.

Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chịu tác động khá toàn diện do ảnh hưởng của dịch bệnh do các phương pháp kiểm soát dịch. Trước tình hình này, công ty đã chủ động chuyển đổi thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu qua nhiều thị trường qua thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cụ thể, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty, công ty đang tận dụng tốt EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam) để hàng xuất đi thị trường Châu Âu hưởng các ưu đãi thuế quan. Trong năm tháng đầu năm 2021, công ty vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 25% cho cả doanh thu và sản lượng.

Theo ghi nhận hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, họ vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được các doanh nghiệp duy trì đều đặn trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết đến nay, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đã thu hút được 499 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 26.696 tỉ đồng và 1.744,4 triệu đô la, với 65.000 lao động đang làm việc.

Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, Ban Quản lý luôn đồng hành với doanh nghiệp, tiếp nhận khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục hành chính bên cạnh phòng chống dịch.

Sức bật từ thương mại, bán lẻ

Bên cạnh sự vượt khó của các doanh nghiệp sản xuất góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, ngành thương mại – dịch vụ là điểm sáng của nền kinh tế Đà Nẵng.

Theo đại diện truyền thông của nhiều nhà bán lẻ lớn trên địa bàn thành phố như Big C, Co.opmart, MM Mega Market, Danavi Mart…, một trong những yếu tố giúp thị trường bán lẻ thành phố có sức bật mạnh mẽ từ đầu năm đến nay là dù trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh nhưng khả năng thích nghi của thị trường Đà Nẵng rất tốt. Nhất là mạng lưới bán lẻ đã nhanh nhạy và kịp thời trọng việc đầu tư ứng dụng về hình thức mua bán trực tuyến giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả; giữ vững sự liền mạch của nguồn lưu chuyển hàng hóa trên thị trường.

Siêu thị tại thành phố Đà Nẵng. Các doanh nghiệp trong ngành thương mại - dịch vụ tại Đà Nẵng đang có sự khởi sắc trong kinh doanh. Ảnh: Nhân Tâm

Những ngày qua, lượng người mua hàng trực tiếp tại cửa hàng thực phẩm sạch của HTX Thu Bồn Mart giảm so với trước, nhưng theo đại diện HTX Thu Bồn Mart, lượng khách giảm là do người dân e ngại dịch bệnh nên ở nhà đặt mua hàng trực tuyến; theo đó, lượng đặt hàng online của cửa hàng những ngày gần đây tăng gấp 3 lần so với trước.

Theo ghi nhận, các cửa hàng bán lẻ và thực phẩm khác cũng đang có những kết quả kinh doanh tương tự.
Các nhà bán lẻ khác như VinMart, Lotte Mart… đang thực hiện chiến lược địa phương hóa danh mục sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu; đồng thời ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý hàng tồn kho theo thời gian thực và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng. Hiện xu hướng bán hàng online qua các kênh website, ứng dụng mobile banking của các ngân hàng và đặt hàng qua điện thoại… đang được các nhà bán lẻ triển khai mạnh mẽ để kết nối với người tiêu dùng.

Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thành phố thông tin, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa trên môi trường Internet, từ 2016-2020, Sở đã hỗ trợ 208 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử; các giải pháp marketing trực tuyến, bán hàng online, tham gia sàn thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng (danangtrade.com.vn) và tổ chức thực hiện những nội dung nhằm giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, kinh doanh trên sàn giao dịch này.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ của thành phố đang có sự sôi động và ngày càng tiện ích hơn khi một số nhà đầu tư đang triển khai kế hoạch đầu tư và dự kiến đưa vào hoạt động một số trung tâm thương mại lớn.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart) đang tìm kiếm mặt bằng phù hợp để phát triển thêm một siêu thị mới cũng như phát triển chuỗi cửa hàng Co.opFood (siêu thị mini) vào các khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Tập đoàn bán lẻ Central Retail (Thái Lan), công ty mẹ của chuỗi siêu thị Big C, đang có kế hoạch mở thêm điểm phân phối hàng hóa ở Đà Nẵng. Trung tâm thương mại quốc tế VV Mall do Liên Thái Bình Dương đầu tư  kết nối với quần thể khu nghỉ dưỡng Crowne Plaza, Crowne Games Club và JW Marriot Hotel, thuộc cùng một nhà phát triển Silver Shores Investment Development Limited sẽ sớm đi vào hoạt động khi dịch được kiểm soát.

Ba kịch bản để Đà Nẵng phát triển

Tại Hội nghị Thành ủy mới vừa diễn ra tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đưa ra ba kịch bản để thành phố phát triển trong 6 tháng cuối năm.

Kịch bản 1: Kịch bản thuận lợi, dự kiến Covid-19 được kiểm soát tốt từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt mức tăng khoảng 7%. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 6%, các khu vực dịch vụ; công nghiệp-xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 6,3%, 4,4% và 1,2%. Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.953,9 tỉ đồng, đạt 104,2% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao.

Kịch bản 2: Kịch bản chưa thuận lợi, dự kiến Covid-19 cơ bản được kiểm soát từ cuối Quí 3-2021. Tình hình tăng trưởng GRDP tương đương như 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt mức tăng gần 5%. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 4,5-5%, các khu vực dịch vụ; công nghiệp-xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 5,2%, 3,2% và 1,2%. Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.404 tỉ đồng, đạt 101,2% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao.

Kịch bản 3: Kịch bản điều kiện xấu, dự kiến Covid-19 chưa được kiểm soát trong Quí 3 và 4-2021. Tốc độ tăng trưởng GRDP có thể thấp hơn 6 tháng đầu năm 2021, 6 tháng cuối năm 2021 sẽ chỉ đạt dưới 3,5%. Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ ở mức dưới 4% (khi đó quy mô GRDP năm 2021 chỉ xấp xỉ năm 2018). Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 17.514 tỉ đồng, đạt 96,27% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao.

 

Mời đọc thêm:

Giữ lửa nghề: Chuyện không của riêng ai!

Du lịch miền Trung cần nhiều 'liều vaccine' để tồn tại

Xem thêm: lmth.ial-ort-gnourt-gnat-aum-nod-gnan-ad-puig-gnov-yk-ne-hnac-gnuhn/212813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những 'cánh én' kỳ vọng giúp Đà Nẵng đón mùa tăng trưởng trở lại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools