Tâm lý người đọc, khi cầm một tập truyện ngắn, thường chọn đọc truyện ngắn được dùng đặt tên chung cho tập. Truyện ngắn “Xác tín mùa” được Trần Quỳnh Nga sắp xếp ở cuối phần 2, cũng có nghĩa là cuối tập truyện ngắn được chị chọn đặt tên cho tập truyện ngắn thứ 4 này.
“Xác tín mùa” được nhà văn Trần Quỳnh Nga giao phó “vai trò” vedette đã hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh” trong buổi trình diễn ra mắt tập truyện “Xác tín mùa”. Nhân vật “nàng” trong truyện ngắn có một niềm buồn. “Đó như là sự trêu ngươi của số phận mà nàng muốn giấu. Giá như có thể làm lại được mọi chuyện nàng sẽ không để có ngày này. Mọi sai lầm đều đến lúc người ta không lý trí nhất”, (trang 262).
“Nàng” là vợ của Tín, lấy nhau lâu ngày nhưng chưa có con. Tín và Vũ là hai anh em sinh đôi giống như hai giọt nước. Trần Quỳnh Nga đã khéo léo khi đan cài tình huống để đẩy nhân vật “nàng” vào chỗ “trêu ngươi của số phận”. Buổi chiều tối sau khi xem triển lãm và đi ra ngoại ô, “nàng” đã chủ động hôn Tín, đánh dấu quyết định quan trọng của người con gái. “Nàng” không biết rằng, hôm ấy Vũ là “nhân vật đóng thế” thay Tín đưa mình đi chơi. Tín bận họp cổ đông ở công ty của anh. Rồi Vũ ra nước ngoài học tập.
“Nàng” trở thành vợ Tín, nhưng cảm xúc lại thuộc về Vũ. “Ông trời đã đùa cợt quá, đẩy nàng đi quá xa, đến chỗ không thể quay lại...”, (trang 264).
“Nàng” là một bác sỹ khoa sản, những lúc tiếp xúc với người đi nạo thai, nàng lại bị sang chấn. Không chỉ mẹ chồng sốt ruột đến giận dỗi mà cả Tín, “nàng” đều mong có con. Tuy nhiên, dần dần tình cảm vợ chồng không còn đủ mặn nồng, ngay cả những lúc ân ái, vòng tay ôm của Tín trở nên “thừa thãi”. “Tất cả sự lạc lõng ấy kéo dài như địa ngục”, “Một mùa hoa cúc qua đi. Thêm một mùa rồi một mùa nữa. Nàng nhận ra sự xa lạ giữa nàng và Tín ngày một đầy lên”, (trang 265).
Đàn ông khi “chán vợ”, dễ sa ngã. Tín cũng vậy. Anh thấy có lỗi, kết hợp đi công tác dài ngày, xem như là thời gian để “nàng” nghĩ lại, có thể lựa chọn một con đường “giải thoát”, điều mà chính “nàng” luôn suy nghĩ. Hoàn cảnh trở nên “oái oăm” đối với “nàng”, trước lúc Tín đi thì Vũ đã về Việt Nam. Tín giao nhiệm vụ cho “nàng” hàng ngày lo cơm nước cho Vũ.
Đây chính là “nút thắt” của “Xác tín mùa”. Trần Quỳnh Nga đã “gỡ nút” bằng một bản nhạc, nhẹ nhàng mà hợp lý. “Tự nhiên trong thẳm sâu, nàng nhận ra một điều rất lạ. Hình như mùa đã về. Bắt đầu trong nàng, từ những động cựa sẽ sàng báo hiệu một mầm sống mới”, (trang 273). Đây cũng là những câu kết của “Xác tín mùa”. Truyện ngắn kết thúc có hậu. Báo hiệu mở ra “mùa” khác trong tình yêu, hạnh phúc của “nàng”. Xác tín rằng, giá trị nhân bản sẽ luôn đến với con người.
Trần Quỳnh Nga “thiết kế” truyện ngắn trong “không gian” mùa tình. “Mùa tình. Những vũ điệu tưởng chừng không bao giờ dứt”, (trang 259). Xác tín rằng, tình yêu luôn chứa nhiều cung bậc, hạnh phúc mãi mãi là điều ai cũng khát khao. “Những vũ điệu mùa” ấy, lộng lẫy hay hời hợt phải do chính những người trong cuộc hướng đến nhau, nhận ra và nâng niu, gìn giữ.
2. “Xác tín mùa” cùng với 12 truyện ngắn khác ở phần 2 Trần Quỳnh Nga viết về những vũ điệu tình yêu, gia đình trong cuộc sống hiện hữu, đương đại. Phần 1, gồm 6 truyện ngắn lại được Trần Quỳnh Nga sáng tạo nên trong “không gian” xa xưa của lịch sử. Nhà văn Trung Trung Đỉnh ở đề từ cho “Xác tín mùa” có viết: “Xác tín mùa là tập truyện ngắn dày dặn, là bước tiến dài của Trần Quỳnh Nga sau ba tập đã trình làng. Đó là sự tiếp nối của giọng văn hướng nội, tinh tế, hấp dẫn đã định hình trước nay; đồng thời lại có được những suy tư rộng mở hơn, đời hơn, bởi vậy mà sâu, ám ảnh hơn”.
Phải nói rằng, Trần Quỳnh Nga khác biệt. Lấy không gian của lịch sử, dựng lên những câu chuyện tình của các nhân vật lịch sử là điều không dễ. Hẳn nhiên, để làm được đòi hỏi nhà văn có kiến thức sâu về lịch sử, nội lực và bản lĩnh sáng tạo.
“Tháng Ba”, “Hoàng hoa tửu” là hai truyện ngắn đưa người đọc trở về thế kỷ thứ 14, khi Nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. “Tháng Ba” là truyện ngắn viết về tình yêu của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và Tiểu Thanh. “Hoàng hoa tửu”, viết về nhân vật Trần Thủ Độ. Tương tự, “Trong rừng trúc” là truyện ngắn lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám; “Chuyện cũ” như mây dần trôi đưa người đọc trở về lịch sử thời Lê Trịnh, với các nhân vật như chúa Trịnh, Tuyên phi Đặng Thị Huệ; “Bóng dáng người xưa” là truyện tình giữa “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương với quan tham tụng Nguyễn Khản; “Những cánh hoa bay”, đưa bạn đọc trở lại Kinh thành Huế xưa thời phong trào Cần Vương.
Trần Quỳnh Nga chứng minh mình là một “cây bút” bản lĩnh. Trong 6 truyện ngắn đặt trong không gian dựng nước và giữ nước của ông cha, liên quan đến các nhân vật lịch sử đã được xác tín “lộng lẫy” trong lịch sử là điều không dễ. Các vấn đề này thường nhạy cảm nếu không đủ “vốn sống” và “vốn chữ”.
Dù cho bối cảnh lịch sử hay bối cảnh hiện nay; dù nhân vật trong các truyện ngắn là các nhân vật có thật trong lịch sử hay các nhân vật phúng dụ như “nàng”, “chàng”... thì “Xác tín mùa” xác tín rằng, tình yêu là một giá trị vĩnh cửu. Dù đó là ông hoàng, bà chúa có thật đều nhờ đến tình yêu “cứu rỗi”, thêm niềm tin, nghị lực và sức mạnh trong hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Trần Quỳnh Nga đặt chuyện tình của các nhân vật lịch sử trong không gian dồn dập, khẩn trương, sống còn của các cuộc khởi nghĩa; vừa hào hùng vừa bi kịch của các vương triều. Đấy là tài năng của cây bút truyện ngắn Trần Quỳnh Nga.
“Lạnh lùng mà sôi sục, dịu êm mà dữ dội, mềm mại mà gai góc...”, nhà lý luận phê bình Phan Tuấn Anh đánh giá. Gấp lại “Xác tín mùa” thấy rằng, văn học luôn đòi hỏi mỗi nhà văn phải sáng tạo. Không có điều gì là cũ, cái mới luôn nằm trong những điều tưởng cũ, xác tín cần phải khám phá.
Sông NghènXem thêm: /402946-aum-iaogn-nit-cax-av-aum-nit-caX/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv