Ai trong chúng ta mà không từng một lần xúc động khi nghe những ca khúc, như: “Chiều biên giới” (nhạc Trần Chung, thơ Lò Ngân Sủn), “Gửi em ở cuối sông Hồng” (nhạc Thuận Yến, thơ Dương Soái), “Chiều biên giới” (Vũ Hiệp Bình), “Hát về anh” (Thế Hiển)… Đó là những bài ca ca ngợi biên giới, người chiến sĩ Biên phòng cũng như công việc thiêng liêng mà họ đang thực hiện được nhiều người yêu thích trong suốt mấy chục năm qua.
Những tưởng công việc của người lính Biên phòng đã là khó khăn, gian khổ nhưng từ khi đại dịch COVID-19 tràn vào nước ta công việc của họ lại càng khó khăn, gian khổ gấp bội. Và chính những lúc như này thì âm nhạc vang lên sẽ xoa dịu những vất vả, gian lao, hiểm nguy để họ vững tin vào trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Các nghệ sĩ của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng. |
Viết đến đây tôi lại nhớ có lần được nghe Thượng tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng (BĐBP) dặn dò các ca sĩ trẻ trong Đoàn: “Các em phải biết khán giả của mình là người chiến sĩ Biên phòng và dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới, vì thế khi hát phải luyến láy ra “chất” của biên cương, của đồng bào vùng biên”.
Tất nhiên để có sản phẩm âm nhạc ra “chất” ấy đòi hỏi mỗi nhạc sĩ phải cho ra đời những “đứa con tinh thần” từ chính chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống bằng cả khối óc, con tim bỏng cháy và đầy trách nhiệm của mình.
Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh mặc dù bận rộn với công việc quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, nhưng anh đã kịp cho ra mắt ca khúc thiếu nhi “Em cùng bố chống Corona” với ca từ vui nhộn, mộc mạc, dễ nghe, dễ thuộc. Tác giả đã “vào vai” người con thương bố nhiều hơn khi biết bố đang cùng đồng đội “Ngủ rừng và cơm nắm/ Chốt giữ chặn đường biên” và người con cũng hứa “Em đây gắng học chăm/ Nhớ ngoan nên ở nhà/ Rửa tay đều sạch sẽ” và như thế thì người con đã góp sức cùng bố đẩy lùi dịch bệnh.
Không chỉ vậy, thời gian qua ở Đoàn Văn công BĐBP còn có những nhạc công xuất phát từ “mệnh lệnh trái tim” để sáng tác những giai điệu về người lính Biên phòng chống dịch nơi biên giới, như NSƯT trống Nguyễn Hải Nam với “Lá chắn thép nơi biên cương”, nghệ sĩ đàn ghi-ta Vũ Tuấn Hội với ca khúc “Bộ đội Biên phòng chống giặc Corona” (thơ Cẩm Thạch).
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Nam đã vào bài một cách khá ấn tượng: “Đêm lạnh sương giăng giăng vây kín/ Đường tuần tra gập ghềnh/ Qua vực sâu, qua đèo cao, qua bão giông/ Người lính Biên phòng anh dũng, kiên cường/ Để tạc thành lá chắn thép nơi biên cương…” và ca khúc được “thổi bùng lên” bằng giọng hát đầy ma mị của nữ chiến sĩ, ca sĩ Ngọc Dung.
Còn nhạc sĩ Vũ Tuấn Hội thì bằng lời ca đã khẳng định những người lính Biên phòng đã trở thành “lũy thép”, “vành đai sống” nơi tuyến đầu chống dịch khi ban ngày họ là những tuyên truyền viên giúp dân hiểu về dịch bệnh còn về đêm họ lại đi tuần tra, canh gác trên những lối mở, đường mòn để “giữ vững đường biên, bình yên đất nước”.
Và có lẽ khi nhắc đến những sáng tác của các nhạc sĩ trong BĐBP tri ân đồng đội chống dịch nơi tuyến đầu sẽ không thể không nhắc đến nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc (Nhà văn hóa BĐBP). Chị chính là tác giả của nhiều ca khúc về chủ đề chống dịch được nhiều người yêu mến trong thời gian qua, như: “Vì nơi ấy có anh”, “Nếu anh không về”, “Giữ mãi màu xanh”, “Lời ru nơi tuyến đầu”.
Mỗi ca khúc đều mang một cảm xúc, kỷ niệm riêng của tác giả nhưng hơn hết nó đã hòa cùng với cảm xúc, kỷ niệm chung để tạo nên “cơn bão lòng” trong mỗi người nghe. Như ca khúc “Lời ru nơi tuyến đầu” ngoài ca ngợi người “chiến sĩ áo trắng”, nữ nhạc sĩ còn muốn gửi gắm tình cảm, sự chia sẻ đến những người đồng đội đã hy sinh hạnh phúc riêng cho một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc thân yêu. Ca khúc này cùng với “Vì nơi ấy có anh” cũng đã góp phần đưa tiếng hát của 2 ca sĩ Lê Nhung và An Ngọc trong Đoàn Văn công BĐBP đến gần hơn với công chúng.
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng. |
Hòa chung trong những cảm xúc, thông điệp, ý nghĩa ấy, nhạc sĩ Xuân Đại (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP) đã sáng tác ca khúc “Bố là chiến sĩ Biên phòng” với giai điệu thân thương, gần gũi khi người bố là chiến sĩ Biên phòng đang vì nhiệm vụ chống dịch mà không thể ở nhà đón đứa con bé bỏng chào đời: “Tiếng khóc chào đời, ánh mắt xoe tròn nhìn anh/ Con sinh ra khi anh đang ở biên giới/ Ôi thiên thần bé nhỏ, đón chào nhau qua màn điện thoại/ Trăm núi ngàn sông/ Anh vui vững bước tuần tra”...
Rồi Đại úy Đặng Thị Mỹ Trang (Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP Nam Định) cũng đã sáng tác và thể hiện ca khúc “Yêu lắm chiến sĩ Biên phòng” như một chân lý: “Bảo vệ nhân dân là nhiệm vụ, là vinh dự Tổ quốc trao cho/ Nơi biên cương xa xôi hay hải đảo, người lính biên phòng vẫn một lòng vì nước, vì dân…”.
Nữ Đại úy xinh đẹp này từng có những chia sẻ hết sức xúc động: “Đã là người lính dù trong chiến đấu hay hòa bình đều có những nhiệm vụ cao cả. Chống dịch và chống giặc đều là nhiệm vụ thiêng liêng, và người lính Biên phòng lúc nào cũng tiên phong trên mọi mặt trận. Khi Tổ quốc gọi tên lúc nào các anh cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Không chỉ có những ca khúc về BĐBP chống dịch mà những người lính Biên phòng còn sáng tạo trong các thể loại khác, như MV bài chòi “Có các anh nơi tuyến đầu chống dịch” do tác giả Mai Thọ soạn lời, Huỳnh Chín thể hiện (BĐBP Quảng Nam) hay MV chèo “Anh là người lính Biên phòng” do tác giả Tuyết Ban (BĐBP Nam Định) soạn lời và biểu diễn.
Rồi không chỉ những chiến sĩ trong lực lượng Biên phòng sáng tác về đồng đội của mình mà người “ngoài ngành” như nhạc sĩ Lê Đức Trí cũng đã sáng tác ca khúc “Đẹp mãi giữa lòng dân”. Nhạc sĩ Lê Đức Trí đã gửi gắm thông điệp: “Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Ở nơi tuyến đầu biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP không quản ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm bám sát địa bàn thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và triển khai phòng, chống dịch bệnh, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự tại khu vực biên giới. Các anh đã tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và luôn đẹp mãi giữa lòng dân”.
Có thể nói mỗi ca khúc về lực lượng BĐBP chống dịch đều như một “bông hoa” nhỏ nhắn, xinh xinh góp vào “vườn hoa lớn” của âm nhạc hướng về “lá chắn thép” nơi biên cương và đó là động lực tinh thần to lớn để họ “vững niềm tin, chắc cây súng” nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Chắc chắn rồi đây dịch bệnh sẽ qua, cuộc sống của người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ trở về “trạng thái bình thường mới”, thế nhưng người lính Biên phòng thì vẫn lấy “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, vẫn với “lời nguyền muôn thuở” “Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời” như cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình (nguyên Phó Chính ủy BĐBP) từng viết.
Và nhất là những ca khúc về lực lượng BĐBP chống dịch sẽ còn vang vọng mãi, như khắc ghi về một thời không thể nào quên với dân tộc, sẽ đóng góp xứng đáng và làm đồ sộ thêm kho tàng âm nhạc về biên cương, về những người lính Biên phòng thân yêu của chúng ta.
Ngô KhiêmXem thêm: /632946-nv/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv