Người dân chuẩn bị đi cách ly tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) - Ảnh: THU HIẾN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Văn Phương - phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 1 - cho biết khi vào khu cách ly hoặc bệnh viện điều trị COVID-19, người bệnh có quyền mang theo hành lý của mình.
Trong đó có thể mang theo thực phẩm hoặc nước uống, tuy nhiên những thực phẩm này phải có nguồn gốc rõ ràng, không phải chất kích thích, có cồn, hoặc các chất cấm khác. Thực phẩm mang theo nên có số lượng vừa phải, vì bên trong khu cách ly hoặc bệnh viện luôn cung cấp đầy đủ thức ăn trong một ngày cho người bệnh.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị hoặc cách ly người nhà có thể gửi đồ tiếp tế vào cho người bệnh, lực lượng hậu cần luôn cố gắng hỗ trợ mang đồ tiếp tế đến tận tay người bệnh.
"Chúng tôi luôn quan điểm rằng mình chưa thể chu toàn hết được cho người bệnh nên cố gắng chia sẻ, giúp đỡ người bệnh hết sức có thể" - bác sĩ Phương nói.
Bác sĩ Phương chia sẻ thêm người bệnh không nên có tâm lý quá lo lắng. Tại khu cách ly và điều trị, các bác sĩ luôn túc trực, có số điện thoại đường dây nóng khi người bệnh có yêu cầu. Khu cách ly và bệnh viện còn tạo điều kiện lắp thêm WiFi, điện, nước đầy đủ cho người bệnh.
Bác sĩ Trần Chánh Xuân - giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - cho biết khi số lượng bệnh nhân COVID-19 quá đông, bệnh viện dã chiến hay khu cách ly phải thu dung cùng một lúc nên nhà cung ứng thực phẩm, nước uống sẽ bị chậm trễ trong 1-2 ngày đầu.
Người bệnh vẫn có thể mang theo thực phẩm, tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo thực phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh, nếu không sẽ gây nên các triệu chứng khác như tiêu chảy, nôn, ói… sẽ rất cực cho nhân viên y tế.
Những thực phẩm sẽ được mang theo như: đồ ăn chế biến sẵn, có nhãn mác rõ ràng, hạn sử dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn phực phẩm với số lượng cũng có hạn.
Trong bệnh viện luôn bố trí đầy đủ và phát cho bệnh nhân tư trang cá nhân, nếu người bệnh có nhu cầu vẫn có thể mang theo khăn mặt, quần áo, tư trang… nhưng khuyến cáo không nên.
Về phần tiếp tế, bệnh viện luôn có quy định chỉ nhận khối lượng đồ tiếp tế từ 5-7kg, có quy định để hạn chế người nhà mang quá nhiều đồ ăn, vật dụng không cần thiết.
Về tâm lý, bác sĩ Xuân cho biết: "Người bệnh không có gì phải lo lắng, với biến chủng Delta thì tỉ lệ chuyển nặng không nhiều, hơn 70% người bệnh không có triệu chứng vẫn khỏe mạnh. Người bệnh vô sẽ được các bác sĩ chăm sóc, có triệu chứng sẽ được điều trị, nếu bệnh chuyển nặng sẽ có bộ phận bác sĩ điều trị tích cực cho bệnh nhân".
Về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu người bệnh, bệnh viện luôn bố trí hệ thống WiFi để người bệnh đọc báo, xem tin tức…
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Bắt đầu từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
TTO - Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến sáng 7-7, số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện của thành phố đã vượt qua con số 7.000. Thành phố đã kịp thời thành lập thêm 4 bệnh viện dã chiến quy mô 12.000 giường đáp ứng nhu cầu.