Dù lượng khách đến các siêu thị đã giảm, nhưng quy định về giãn cách vẫn khiến nhiều khách hàng phải xếp hàng chờ đợi khá lâu. Trong ảnh: hàng dài khách chờ vào siêu thị Lotte Mart ở Gò Vấp - Ảnh: NGUYỄN PHAN
Theo các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bước sang ngày thứ 2 kể từ khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16, sức mua tại các chợ, siêu thị bắt đầu hạ nhiệt trong khi các đơn hàng online vẫn tăng mạnh.
So với cùng thời điểm này hai ngày trước, lượng người dân vào mua sắm tại các siêu thị trong ngày 10-7 giảm 50 - 60%, sức mua nhóm hàng thực phẩm tươi sống "nóng"… cũng giảm đáng kể. Do các cửa hàng bán đồ ăn mang về bị cấm hoạt động nên dịch vụ đi chợ hộ được người dân TP.HCM sử dụng tăng mạnh trong những ngày qua.
Đại diện ứng dụng Be cho biết: "Dịch vụ đi chợ hộ tăng trưởng đến 200% trong ngày đầu giãn cách và tiếp tục tăng trong ngày cuối tuần. Nhóm mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là thực phẩm, nước giải khát, thuốc men và nhu yếu phẩm".
Đại diện ứng dụng này cũng cho biết sẽ có nhiều ưu đãi cho dịch vụ đi chợ hộ để khách hàng tiếp cận được dịch vụ một cách thuận tiện với chi phí hợp lý nhất.
Trong khi đó, Grab tuy không tiết lộ con số cụ thể nhưng cũng cho biết dịch vụ đi chợ hộ của nền tảng tăng rất mạnh so với trước đây,
Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh ghi nhận lượng đơn hàng mấy ngày gần đây tăng lên đến 15.000 - 20.000 đơn/ngày, trong khi bình thường trước đây mỗi ngày chỉ 8.000 - 9.000 đơn.
AEON Việt Nam cho biết đã mở lại tất cả các kênh bán hàng trực tuyến và tăng cường nhân lực để hỗ trợ phục vụ khách hàng: đặt hàng qua điện thoại, qua các ứng dụng di động (AEON, Grabmart, Now) và trang thương mại điện tử AEONEshop.
Sức ép giải phóng đơn hàng online giảm nhẹ khi trong ngày 10-7, số đơn hàng mua qua kênh trực tuyến được xử lý tăng 20-30% tùy điểm bán. Tình hình này trái ngược với các hôm trước là nhiều doanh nghiệp phải tắt gian hàng trên một số ứng dụng vì lượng đơn hàng tồn chờ xử lý quá nhiều, không thể giao đúng lịch cho khách.
Chị Chi, sống ở TP Thủ Đức, cho biết trong ngày 10-7, nhân viên siêu thị đã liên lạc để xử lý đơn hàng chị đặt mua cách đây 5 ngày.
"Siêu thị báo hàng sẽ được xử lý và giao trong 4 ngày tới, giá cả nhiều mặt hàng sẽ có thay đổi so với thời điểm đặt mua. Tôi cũng đồng ý vì lúc này mỗi người cần thích nghi một chút, siêu thị cũng quá tải dịch vụ rồi", chị Chi cho biết.
Người dân xếp hàng để vào mua sắm ở các cửa hàng thực phẩm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên trang fanpage của mình, đại diện Co.opmart cũng đã gửi thư đến khách hàng, mong khách hãy yên tâm, bởi "tập thể Co.opmart đã và đang ngày đêm nỗ lực để đơn hàng đến tay bạn sớm nhất, cũng như đảm bảo nhu yếu phẩm luôn đủ đầy để cùng mọi người vượt qua thời điểm này".
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết vấn đề của kênh online không phải là thiếu hàng hóa, mà các siêu thị, cửa hàng đang thiếu nhân sự xử lý đơn hàng. Hiện nay, các siêu thị vẫn chưa thể giải quyết đơn hàng đặt trong ngày, mà thường cộng thời gian giao hàng từ 2 -7 ngày sau.
Một áp lực khác đang đè lên hệ thống phân phối là khâu vận chuyển hàng hóa phải qua các chốt kiểm dịch của địa phương, với nhiều thủ tục hơn trước để đảm bảo an toàn chống dịch, khiến cho hàng về TP chậm hơn.
Sở Công thương TP.HCM cho biết cơ quan này vẫn khuyến khích doanh nghiệp, người dân giao dịch mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm qua kênh online. Với diễn biến hiện nay, sức mua được dự báo sẽ giảm dần trong những ngày tới khi người dân đã tích trữ đủ thực phẩm.
"Lúc này, chúng ta có thể cân nhắc mua chậm một chút, mua vừa phải đủ dùng, hàng hóa trong những ngày tới vẫn dồi dào", đại diện Sở Công thương TP nói.
TTO - Nhiều khách hàng tỏ ra thất vọng khi đơn hàng online của họ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, dịch vụ đi chợ hộ bị hủy hoặc dời ngày giao hàng đến cả tuần lễ trong những ngày gần đây.