Di sản văn hóa - sức mạnh mềm để phát triển công nghiệp văn hóa
Thời gian gần đây, nhiều không gian công cộng tưởng rơi vào lãng quên nhưng lại liên tục thu hút đông đảo người dân và du khách nhờ các dự án nghệ thuật. Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng đã làm sống lại một đoạn phố gầm cầu Long Biên, một điểm nhấn văn hoá thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân năm 2020 đã “khoác áo mới” cho toàn bộ khu vực bờ bãi chạy dọc sông Hồng với các tác phẩm sắp đặt ngoài trời chạy dọc hơn 500 mét dài ven sông.
“Gánh hàng rong” và “Phù điêu Đông Dương” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn trong dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân bên bờ sông Hồng. |
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển độc lập và giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây là 2 dự án nghệ thuật mang tính chất đánh thức những không gian công cộng được anh và nhóm nghệ sĩ tình nguyện thực hiện thành công sau nhiều nỗ lực hợp tác với chính quyền quận Hoàn Kiếm và Hội kiến trúc sư Hà Nội.
Ngoài ra, nhóm họa sĩ tình nguyện còn cùng một số sinh viên chuyên ngành Lụa và Sơn mài của Khoa Hội hoạ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tích hợp một dự án nghệ thuật vào Đình Nam Hương, tại 75 Hàng Trống. Ngôi đình mới được trùng tu, trong khu vực phố cổ đã trở thành nơi gặp gỡ và thăng hoa của người nghệ nhân cuối cùng dòng tranh Hàng Trống – nghệ nhân Lê Đình Nghiên với những nghệ sĩ trẻ. Kết quả là triển lãm nghệ thuật đương đại “Từ truyền thống tới truyền thống” được tổ chức tại Đình.
Giá trị di sản của ngôi đình và dòng tranh dân gian Hàng Trống cùng lúc được nhận diện lại qua những tác phẩm tạo hình tươi mới đầy sức sáng tạo của các hoạ sĩ trẻ. Chỉ trong 2 tháng, hàng nghìn lượt du khách tới thăm triển lãm, thăm không gian ngôi đình.
Mới đây, khi bàn thảo về phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Thạc sĩ Phạm Thị Nhung đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng nhận định: Hà Nội đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc đổi mới chính sách nhằm chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa, trong đó di sản văn hóa trở thành sức mạnh mềm thông qua phát triển CNVH.
Với hệ thống di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, Hà Nội đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ, thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ CNVH.
Những hạ tầng cơ sở cho phát triển CNVH tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, như Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, những sản phẩm của sự sáng tạo là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội.
Vẫn còn nhiều tiềm năng chờ phát huy
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, phát triển CNVH văn hoá Hà Nội dựa trên vốn di sản văn hoá là tất yếu, có cơ sở khoa học, thực tiễn và bền vững. Đây là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hoá, 1.793 di sản văn hoá phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ.
Hà Nội cũng là nơi nhiều thiết chế văn hoá bảo tàng nhất cả nước. Bên trong các bảo tàng là di sản văn hoá vật thể - di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, là di sản thông tin tư liệu, di sản ký ức. Vô số đề tài lịch sử, văn hoá, nghệ thuật ẩn chứa trong kho di sản đồ sộ này đang chờ đợi các ngành CNVH khai thác. Di sản văn hoá là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, bền vững của CNVH Hà Nội.
Tuy nhiên, TS Lê Thị Minh Lý cũng cho rằng, Hà Nội có một số điểm yếu. Đó là các sản phẩm văn hoá chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế. Hà Nội chưa nhận diện được giá trị văn hoá từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hoá; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho CNVH. Kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực CNVH còn thiếu. Cơ chế đầu tư cho CNVH còn chưa hợp lý. Hà Nội còn thiếu liên kết chuyên ngành, thiếu tư vấn thiết kế, nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế.
Trong thời gian tới, Hà Nội cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho CNVH. Thành phố cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hoá, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hoá. Hà Nội nên ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hoá dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông.
Ngoài ra, thành phố cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hoá trong kinh tế, xã hội hoá quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định, nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hoá, quyền, lợi ích của chủ thể văn hoá, bình đẳng văn hoá và bản quyền.
Xem thêm: /215946-aoh-nav-neyugn-iat-nougn-caht-iahk-cuht-hnad-cul-oN/aoh-nav-meid-ueiT/nv.moc.dnac