- Hà Nội cách ly tại nhà 7 ngày đối với người đến từ TP Hồ Chí Minh và các vùng dịch
- Điều kiện nào để F1 ở TP Hồ Chí Minh được cách ly tại nhà?
Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và có thể tăng nhanh trong những ngày tới. Bộ Y tế đã điều động 10.000 cán bộ, nhân viên y tế và 25 chuyên gia hàng đầu vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh; cùng với 7 đoàn công tác đến các địa phương đang là điểm nóng ở phía Nam.
Hai ngày nay, số ca mắc ở TP Hồ Chí Minh đều ở con số hơn 1 nghìn ca/ngày, kéo theo số lượng F1 phải cách ly rất lớn. Bộ Y tế đã có thay đổi lớn về chiến lược cách ly khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, sẽ cách ly F1 tại nhà. Việc thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh sẽ có những thuận lợi khó khăn gì? Giải pháp nào để việc cách ly F1 tại nhà đạt hiệu quả cao nhất?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương. |
Phóng viên Báo CAND đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bà, với tình hình dịch đang phức tạp như hiện nay, các khu cách ly tập trung tại TP Hồ Chí Minh có đang bị quá tải hay không? Xin bà cho biết những giải pháp của Bộ Y tế giúp TP Hồ Chí Minh hạn chế lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Hiện các khu cách ly tập trung của TP Hồ Chí Minh đã phải tiếp nhận số lượng người cách ly tăng đột biến. Để giảm tải các cơ sở cách ly y tế tập trung, Bộ Y tế đã có Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6/2021 hướng dẫn TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm hình thức cách ly F1 tại nhà. Mới đây nhất, ngày 9/7/2021, Bộ Y tế có văn bản số 5476/BYT-DP hướng dẫn TP Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hướng dẫn áp dụng cách ly người F1 tại nhà đối với từng khu vực nguy cơ khác nhau.
Việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly. Khi các khu vực cách ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là giải pháp để giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. Đối với F1 có nhà đáp ứng điều kiện cách ly thì có thể cách ly tại nhà, giúp cho người cách ly giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các khu cách ly tập trung bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng khu vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch.
Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người cách ly trong suốt thời gian cách ly theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn. Hiện nay đã xuất hiện biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì sẽ làm lây lan cho người ở cùng và lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp là F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt là ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
PV: Bộ Y tế đã có thay đổi lớn về chiến lược cách ly ở TP Hồ Chí Minh khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vậy nội dung cụ thể của thay đổi này là như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến một số thay đổi lớn trong triển khai các hướng dẫn chuyên môn thực hiện các công tác liên quan đến phòng, chống dịch. Theo đó, về công tác cách ly sẽ phân ra các khu vực gồm:
Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài. Đối với trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa, áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra khu cách ly tập trung.
Với khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại công văn 5152. Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt người F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể thực hiện cách ly tập trung theo các quy định hiện hành.
PV: Thưa bà, việc triển khai cách ly F1 tại nhà đã được TP Hồ Chí Minh thực hiện hay chưa? Những điều gì cần lưu ý khi triển khai cách ly F1 ở TP Hồ Chí Minh?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Hiện nay, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thí điểm, khảo sát các điều kiện đảm bảo cho việc cách ly tại nhà, trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Để thực hiện cách ly F1 tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:
Thứ nhất là phải xem xét áp dụng các hình thức cách ly F1 tại nhà theo từng vùng nguy cơ để vừa giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ hai là quản lý, giám sát việc thực hiện cách ly. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải có phương án và phân công người giám sát. Địa phương cần phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng và người dân trong việc kiểm tra giám sát và phát hiện vi phạm.
Thứ ba là ý thức chấp hành của người cách ly. Chính quyền địa phương cần phổ biến cho người cách ly, người ở cùng nhà về những quy định cần tuân thủ.
Cuối cùng – yếu tố then chốt là lan toả được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân chung tay cùng chống dịch thì sẽ thành công.
PV: Bộ Y tế yêu cầu TP Hồ Chí Minh áp dụng thiết chế cách ly tập trung với vùng lõi dịch, vùng phong toả để thực hiện nghiêm phòng lây nhiễm trong các khu vực này, đồng thời áp cách ly tại nhà cho khu vực này. Là một chuyên gia hàng đầu trong quản lý môi trường y tế, xin bà cho biết những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư… thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra các khu cách ly tập trung.
Hình thức cách ly này có thuận lợi là có thể cách ly tại chỗ nhiều người F1 cùng lúc và thuận tiện cho việc quản lý, giám sát cách ly. Tuy nhiên, những khu vực tập trung nhiều F1 này thường có mật độ người cách ly lớn, điều kiện nhà ở không đáp ứng điều kiện cách ly, sử dụng chung nhà vệ sinh, nhà tắm; ý thức tự giác của một số người dân, người lao động chưa cao dễ dẫn đến lây nhiễm chéo nếu có trường hợp ca bệnh xảy ra. Vì vậy, thiết chế này chỉ phù hợp áp dụng trong những khu vực phong tỏa có nguy cơ rất cao; đồng thời chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát người cách ly để giảm thiểu nguy cơ lây chéo, tôi xin nhấn mạnh rằng, nếu mật độ người cách ly quá đông thì phải đưa bớt ra các khu cách ly tập trung khác.
PV: Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam dịch lây lan rất nhanh, trở thành điểm “nóng” như Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang... liệu chúng ta có nên áp dụng cách ly F1 tại nhà cho những khu vực này hay không? Nếu có, các địa phương phải chú ý và chuẩn bị những gì?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Như tôi đã đề cập, việc thực hiện cách ly tại nhà phụ thuộc rất lớn vào điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, ý thức của người cách ly và người nhà, sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, do vậy để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ việc cách ly F1 tại nhà cần phải thực hiện thí điểm, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và hoàn thiện hướng dẫn.
Hiện nay ngoài TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành phố cũng đang đề xuất áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bộ Y tế cũng đã báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho phép mở rộng thí điểm cách ly F1 tại nhà ra các tỉnh, thành phố có đề xuất.
PV: Với diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, bà có hiến kế gì cho TP Hồ Chí Minh cũng như các điểm nóng ở phía Nam về công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, nhà máy...?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Để đảm bảo mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19, cập nhật đánh giá an toàn COVID-19 lên bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch triển khai các phương án phòng, chống dịch khi có ca mắc COVID-19 tại cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo 100% người lao động khai báo y tế, tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 cho người lao động, đặc biệt các nhóm có nguy cơ cao; quản lý chặt chẽ các khu nhà trọ, ký túc xá của người lao động; đảm bảo năng lực xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị khi có người lao động mắc COVID-19; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người lao động.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!