Cậu nói làm sao bỏ đi cho được vì nhìn quanh đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với mợ. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của mợ trước khi mất vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Cậu không muốn thay đổi, chuyển dịch gì cả.
Trên bàn trang điểm vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn và những chai thuốc bôi tay cho mịn da. Tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại.
Từ khi không còn mợ, cậu như người mất hồn, quên trước quên sau. Nhiều lần trên đường về nhà cậu đi lạc, chạy xe qua khỏi nhà rồi mà không biết.
Ngày xưa, cậu hay bực mình mỗi khi được mợ nhắc nhở đi lối này, quẹo góc kia. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh, gây gổ đó mà không có được. Mỗi bữa ăn cũng không còn ai thúc hối, hò hét giục cậu ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, cậu không tha thiết đến bữa cơm.
Cậu tiếc vì hồi đó cậu mợ cứ hay cãi vã những chuyện không đâu và chẳng liên quan gì đến ai mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên châu Phi đi đến to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau như hai đứa thời mới yêu.
Cậu trách mình sao hồi đó cứ phải gắt gỏng, đâu có được gì, lại làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói lời ân hận, làm sao mợ nghe được. Rồi cậu cho mình là một con người hồ đồ, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay không biết trân trọng, để đến khi mất đi mới ân hận mà có kịp đâu.
Nếu được làm lại, cậu nói sẽ đối xử với mợ tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái, dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi mợ làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn mợ nhiều hơn và phớt tỉnh mỗi khi bị mợ chê bai. Nhất là bày tỏ tấm lòng của cậu, nói cậu yêu thương mợ, yêu thương lắm lắm.
Đâu có gì ngăn trở mà những ngày mợ còn sống cậu không nói được những điều đó.
Lấy kinh nghiệm mình, mỗi lần gặp con cháu cậu đều nói đang còn đủ đôi, đủ cặp thì phải trân trọng giữ gìn, để mai đây khi chỉ còn chiếc bóng có tiếc thương cũng đã muộn màng.
Một bờ vai, một bàn tay của chồng, của vợ chìa ra đúng lúc đôi khi còn giá trị gấp ngàn lần những món quà đắt tiền, hào nhoáng. Là vợ hay là chồng đều có áp lực như nhau, dù ai đi làm và ai đang phải ở nhà chăm con.
Sau tất cả, cái mỗi người cần là luôn có nhau. Tìm được tiếng nói chung sau muôn vàn khác biệt của hai người vốn xa lạ vì duyên mà tìm được nhau, vì phận được làm vợ chồng luôn là cách những người yêu nhau muốn hướng tới.
Người xưa có câu: "Tu 100 năm được ngồi chung thuyền, tu 1.000 năm mới cùng chung chăn gối". Bởi vậy, trân trọng và đối xử tốt với người đầu ấp, tay gối với mình là điều phải lẽ vì một đời người đâu có dài.
Chỉ cần thương yêu nhau thì hạnh phúc sẽ luôn ở bên.
Hãy trân trọng từng giây phút có nhau cho đến cuối con đường!
Trang Tổ ấm đã nhận được bài viết cộng tác của bạn đọc: Thanh Nguyễn, Nguyễn Thị Hải, Hoàng Thanh Phong, Huyền Minh, Trần Văn Tám, Đặng Đức, Tạ Tư Vũ, Trần Đăng Quang, Thái Hoàng, Lê Phương Trí, Khánh Hưng, Phương Lan, Phạm Hải Miên, Nhữ Thị Mỹ Hiên...
Trân trọng cảm ơn sự đóng góp bài vở của bạn đọc và Tổ ấm vẫn tiếp tục chờ đợi những bài viết chia sẻ câu chuyện gia đình, những bí quyết làm bạn cùng con và những cảm xúc chia ngọt sẻ bùi qua mùa dịch bệnh nhiều âu lo, gian khó này...
TTO - Má nhắc giỗ ông ngoại lúc Sài Gòn đang mùa cách ly. Tất nhiên là không thể về. Bao nhiêu năm ông mất bằng với bao nhiêu năm tuổi đời của con gái má. Người già ngồi nhớ quê nhà bèn nhắc lại những câu chuyện cũ.
Xem thêm: mth.65054858011701202-uahn-oc-tuhp-yaig-gnut-gnort-nart/nv.ertiout