vĐồng tin tức tài chính 365

Amazon bị tố chèn ép đối tác bằng điều khoản vô lý: Nếu muốn 1 hợp đồng béo bở, hãy đưa cho tôi một phần công ty!

2021-07-11 16:23

Các nhà cung cấp muốn ký kết hợp đồng với Amazon để có thể đưa hàng hóa và dịch vụ của họ lên sàn thương mại này có thể nhận thấy rằng thỏa thuận sẽ đi kèm với một điều khoản: Amazon có quyền mua một lượng lớn cổ phần với mức chiết khấu rất sâu.

Theo nguồn tin thân cận, người khổng lồ công nghệ và bán lẻ này đã thực hiện ít nhất hàng chục giao dịch với các công ty niêm yết, trong đó họ có quyền, còn được gọi là chứng quyền, để mua cổ phiếu của các nhà cung cấp này trong tương lai với giá thấp hơn giá thị trường. Trong thập kỷ qua Amazon cũng đã thực hiện hơn 75 giao dịch như vậy với các công ty tư nhân.

Tổng cộng những giao dịch nói trên đã giúp Amazon tích lũy số cổ phần trị giá hàng tỷ USD tại các công ty trên mọi lĩnh vực từ dịch vụ call-center đến khí đốt tự nhiên. Trong một số trường hợp, Amazon còn trở thành cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần nhất tại các công ty đó.

Các thỏa thuận bất thường này cung cấp một cái nhìn khác về cách Amazon sử dụng sức mạnh thị trường của mình để tăng sự giàu có và ảnh hưởng. Tập đoàn này đang bị các cơ quan quản lý và các nhà lập pháp giám sát ngày càng chặt chẽ.

Mặc dù các giao dịch có thể mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp bằng cách giúp họ chốt được các hợp đồng lớn và gia tăng giá trị cổ phiếu của họ, nhưng các giám đốc điều hành tại một số công ty cho biết họ cảm thấy họ cảm thấy khá miễn cưỡng. Ở một số trường hợp, Amazon còn yêu cầu quyền tham gia vào hội đồng quản trị hay có lợi thế trước mọi lời đề nghị mua lại các công ty này từ các doanh nghiệp khác.

Amazon thường xuyên tận dụng quy mô và sức mạnh của mình để đòi hỏi các điều khoản có lợi cho bản thân, bao gồm bằng cách yêu cầu các đối tác trong lĩnh vực kinh doanh phải tham gia vào các dịch vụ khác do mình cung cấp; nắm bắt được các công ty công nghệ đang và sẽ phát triển thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm; hoặc tạo ra hàng hóa mang nhãn hiệu Amazon bán chạy để cạnh tranh với những thương hiệu nhỏ hơn trên trang website của mình. Tập đoàn này đã và đang cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị phần từ các đối thủ, điều mà Amazon cho rằng sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng.

Theo các cựu giám đốc điều hành của Amazon, những người đã tham gia vào các phi vụ giao dịch này, Amazon chú trọng đến các điều khoản sinh lợi và biết rằng nhiều công ty sẽ không thể từ chối. Tất nhiên cũng có những điều kiện ràng buộc phía Amazon, ví dụ phải mua của nhà cung ứng một lượng hàng hóa rất lớn.

Grand Rapids, công ty có trụ sở tại bang Michigan, đã cung cấp thực phẩm cho Amazon từ năm 2016, nhưng lần này Amazon đưa ra một điều kiện: nếu muốn Amazon mua lượng hàng tạp hóa trị giá tới 8 tỷ USD trong vòng bảy năm, thì công ty này phải cấp cho Amazon quyền mua 15% cổ phần ở mức giá có thể thấp hơn thị trường. Amazon cũng yêu cầu được thông báo về bất kỳ đề nghị mua lại nào đối với SpartanNash và có thời hạn 10 ngày để đưa ra mức giá cao hơn.

Theo nguồn tin thân cận, các giám đốc điều hành của SpartanNash đã rất ngạc nhiên. Không có khách hàng nào yêu cầu những điều khoản như vậy trước đây. Cuối cùng, họ đã quyết định không muốn mặc cả với một trong những khách hàng lớn nhất và việc gắn bó với Amazon có thể nâng tầm công ty của họ. Theo các điều khoản hợp đồng, nếu nhận và thực hiện các chứng quyền Amazon sẽ là cổ đông lớn thứ hai của SpartanNash chỉ sau nhà quản lý quỹ tương hỗ BlackRock Inc.

Amazon bị tố chèn ép đối tác bằng điều khoản vô lý: Nếu muốn 1 hợp đồng béo bở, hãy đưa cho tôi một phần công ty! - Ảnh 1.

Amazon đã thực hiện các giao dịch như vậy với các nhà cung cấp trong khoảng một thập kỷ nhưng đã tích cực tăng cường hoạt động này trong vài năm qua. Trong báo cáo quý mới nhất của mình, tập đoàn này đã định giá số chứng quyền đang nắm giữ ở mức 2,8 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với ba năm trước.

Giống như quyền chọn cổ phiếu, chứng quyền cho phép người nắm giữ mua cổ phiếu của công ty với mức giá đã định trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu cổ phiếu vượt qua mức giá thực tế đó, người nắm giữ chứng quyền có thể mua cổ phiếu với giá thấp hơn thị trường.

Các nhà lãnh đạo của công ty trong nhiều lĩnh vực và các luật sư cho rằng đòi hỏi của Amazon là một điều rất bất thường. Các giao dịch chứng quyền thường được sử dụng nhiều hơn bởi các nhà đầu tư nhằm hỗ trợ các giao dịch được coi là có rủi ro cao với các công ty gặp khó khăn tài chính.

Thỏa thuận chứng quyền lớn đầu tiên của Amazon với một nhà cung cấp đã lên sàn chứng khoán là vào năm 2016. Amazon lúc đó đang tìm kiếm một đối tác cung cấp dịch vụ máy bay chở hàng để giúp xây dựng mạng lưới hậu cần khổng lồ của mình. Các giám đốc điều hành lý giải rằng các đối tác tiềm năng của tập đoàn này đều là những công ty nhỏ hơn, ít tên tuổi hơn với tốc độ tăng trưởng trì trệ. Vậy nên một hợp đồng béo bở từ Amazon sẽ tiếp thêm sinh lực cho cổ phiếu của họ. Do vậy, Amazon muốn kiếm lợi từ những cổ phiếu tiềm năng này.

Amazon đã đề xuất một thỏa thuận, kèm theo điều khoản về chứng quyền, với Wilmington, thuộc Tập đoàn Dịch vụ Vận tải Hàng không (ATSG) có trụ sở tại Ohio. Công ty cho thuê máy bay ban đầu đã từ chối điều khoản về chứng quyền. Nhóm đàm phán của công ty này đã bay đến Seattle và có "cuộc đàm phán căng thẳng, kéo dài", nơi mà Amazon đã yêu cầu ATSG phải đồng ý với các điều khoản. Một người trong số những người tham dự cuộc đàm phán này cho biết. "Họ đã phải thuyết phục rất nhiều,". Amazon hiện sở hữu khoảng 19,5% cổ phần của ATSG, và trở thành cổ đông lớn nhất.

Các nhà lãnh đạo của Amazon biết rằng họ sẽ cần thuê thêm nhiều máy bay để đối phó với vấn đề bùng nổ tăng trưởng trong hoạt động giao hàng của mình và thỏa thuận chứng quyền đầu tiên này đã khuyến khích tập đoàn yêu cầu thêm các điều khoản tương tự từ các công ty khác.

Trong cuộc đàm phán với Atlas Air Worldwide Holdings Inc., Amazon đã thảo luận về một hợp đồng cho thuê 10 năm, với các điều khoản tương tự. Lần này, Amazon yêu cầu chứng quyền có giá trị lên tới 20% vốn chủ sở hữu của Atlas trong vòng 5 năm — với tùy chọn trả thêm 10% sau đó — tùy thuộc vào mức độ kinh doanh mà Amazon cung cấp cho Atlas. Amazon cũng muốn có quyền tham gia bầu một vị trí giám đốc trong hội đồng quản trị của Atlas, sau khi tập đoàn này đạt được một số mốc quan trọng nhất định trong thỏa thuận với Atlas.

Những người có liên quan ở cả hai bên nói rằng chứng quyền là một điều kiện để Amazon hợp tác với Atlas. Một thành viên tham gia buổi đảm phán cho rằng "Chắc chắn có cảm giác rằng nếu chúng tôi không đồng ý thì sẽ không có một thỏa thuận nào được ký kết". Người này cho biết, các giám đốc điều hành Atlas không muốn từ bỏ cơ hội doanh thu từ Amazon và coi việc từ bỏ chứng quyền là cái giá phải trả của việc kinh doanh với Amazon.

Khi công bố thỏa thuận vào tháng 5 năm 2016, Atlas đã ca ngợi thỏa thuận này, bao gồm cả thỏa thuận về cổ phần. Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 27% vào ngay ngày hôm đó. Những bước nhảy vọt như vậy thường xảy ra khi Amazon thực hiện các giao dịch công khai kèm theo thỏa thuận chứng quyền với các nhà cung cấp — cổ phiếu của SpartanNash đã tăng 26% vào ngày công bố thỏa thuận.

Giá thực hiện cho chứng quyền Atlas là 37,50 đô la, thấp hơn một chút so với giá cổ phiếu được giao dịch trước khi thỏa thuận được công bố. Amazon sau đó đã thực hiện chứng quyền đối với 9% cổ phần của Atlas và bán số cổ phần này đi. Amazon từ chối bình luận về số tiền họ kiếm được từ việc bán cổ phiếu của Atlas.

Cổ phiếu Atlas đóng cửa hôm thứ Hai ở mức 67,31 USD / cổ phiếu.

Amazon thường ràng buộc các điều khoản chứng quyền với mức độ dịch vụ mà nó mang lại cho một nhà cung cấp. Trong một thỏa thuận với Startek Inc., hãng cung cấp dịch vụ call-center có trụ sở tại Colorado đã đồng ý cho Amazon quyền mua 20% cổ phần của mình nếu Amazon thực hiện phi vụ kinh doanh trị giá 600 triệu USD với Startek trong 8 năm. Điều đó sẽ biến Amazon trở thành cổ đông lớn thứ hai của Startek nếu tập đoàn này sở hữu chứng quyền và thực hiện chúng.

Tham khảo Wall Street Journal

Xem thêm: nhc.79160925111701202-yt-gnoc-nahp-tom-iot-ohc-aud-yah-ob-oeb-gnod-poh-1-noum-uen-yl-ov-naohk-ueid-gnab-cat-iod-pe-nehc-ot-ib-nozama/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Amazon bị tố chèn ép đối tác bằng điều khoản vô lý: Nếu muốn 1 hợp đồng béo bở, hãy đưa cho tôi một phần công ty!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools