Từ ngày 9-7, TP.HCM thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ngay sau đó, UBND TP.HCM có những hướng dẫn cụ thể để người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh.
Để tiếp tục hỗ trợ người nghèo mùa dịch, nhiều đội, nhóm thiện nguyện (NTN) đã thay đổi phương thức hoạt động, liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động.
Tạm dừng phát quà trực tiếp để phòng dịch
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Ngân hàng Thực phẩm Food Bank Việt Nam, cho biết NTN của đơn vị đã tạm dừng mô hình “tủ lạnh cộng đồng” do không còn phù hợp với Chỉ thị 16. Thay vào đó, đơn vị đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cơm miễn phí như tăng thêm phần ăn, chuyển cơm đến từng khu trọ… để giảm thiểu thấp nhất việc tập trung đông người cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Chính quyền địa phương cử đại diện đến nhận cơm tại bếp cơm từ thiện để đi phát tại các điểm cách ly, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
(Ảnh do Hội Tường Nguyên cung cấp)
Từng suất cơm được phát tận nhà cho người dân.
(Ảnh do Hội Tường Nguyên cung cấp)
“Mọi hoạt động của Food Bank Việt Nam sẽ đảm bảo tuân thủ tuyệt đối quy định của Chỉ thị 16 về phòng chống dịch bệnh. Tất cả điều phối viên khi ra đường đều được cơ quan chức năng xác nhận đang làm nhiệm vụ cung cấp thực phẩm thiết yếu. Mặc dù hoạt động gặp một số khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thích nghi để hỗ trợ người nghèo kịp thời” - anh Nguyễn Tuấn Khởi cho biết.
Cũng như NTN của anh Nguyễn Tuấn Khởi, nhóm Sài Gòn chợ Lạc Xoong đã tạm dừng hoạt động phát rau củ, thực phẩm, cơm… tại chín địa điểm phân phối trên địa bàn TP để tránh việc tụ tập đông người.
Anh Đàm Hà Phú, quản lý của nhóm Sài Gòn chợ Lạc Xoong, cho biết để hoạt động của nhóm thực hiện đúng theo Chỉ thị 16, chính quyền địa phương tại các điểm phân phối đã hỗ trợ nhóm rất nhiệt tình. Theo đó, lực lượng của MTTQ, công an phường, khu phố… trực tiếp đưa xe đến các điểm phân phối để chở thực phẩm, rau củ, quà bánh… đến phát tại những khu cách ly, khu vực có bà con nghèo. Với cách làm này, không chỉ nhóm anh mà các hội, NTN khác cũng sẽ hoạt động thuận lợi hơn. Những suất cơm, phần quà vẫn nhanh chóng đến với bà con nghèo.
“Hiện tại, một số tình nguyện viên của nhóm chỉ còn đi phát cho những trường hợp người lang thang, cơ nhỡ... Khi đi phát, các bạn cũng chỉ đi một mình, đảm bảo 5K” - anh Đàm Hà Phú chia sẻ.
Được chính quyền địa phương hỗ trợ nhiệt tình
Chị Phạm Thị Hạnh (ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cho biết hiện tại Bếp cơm vui vẻ 7 của chị được chính quyền hỗ trợ trong hoạt động hằng ngày. Mỗi ngày bếp cơm vẫn phát 400 phần ăn cho các điểm cách ly trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A. Tình nguyện viên của bếp cơm không trực tiếp đi phát cơm nữa mà việc đó sẽ do lực lượng Đoàn thanh niên của xã Vĩnh Lộc A hỗ trợ.
Ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Lộc A có hỗ trợ một phần kinh phí cho bếp ăn của chị Hạnh để phục vụ cho bà con trong khu cách ly và lực lượng trực chốt. Đoàn thanh niên của xã phụ trách việc phát cơm. Các bạn được trang bị đồ bảo hộ, đảm bảo 5K khi chở cơm đến các điểm cách ly.
Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện xã hội Giáo hội Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội từ thiện Tường Nguyên, cho biết hội vẫn hoạt động bình thường. Trước đây hội nấu 5.500 suất ăn, nay tăng lên 7.000 suất ăn/ngày. Để có được điều này, hội đã sớm nắm bắt thông tin, tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, đảm bảo phòng dịch từ đầu.
Trước ngày 9-7, hội tổ chức cho tất cả tình nguyện viên của bếp cơm xét nghiệm COVID-19 mỗi tuần. Đồng thời yêu cầu các tình nguyện viên phụ trách việc nấu ăn ở lại bếp cơm, cách ly hoàn toàn, không tiếp xúc với bên ngoài. Sau khi Chỉ thị 16 được áp dụng, hội đã chủ động liên hệ chính quyền địa phương để xin giấy xác nhận cho các tình nguyện viên phụ trách việc vận chuyển, phát cơm. Các tình nguyện viên này sẽ không được tiếp xúc trực tiếp với nhóm nấu ăn trong bếp.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tận tình của chính quyền ở nhiều quận trên địa bàn TP. Các phường, các quận đã cử đại diện đến hội nhận cơm rồi trao cho từng nhà ở các khu cách ly, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày có hơn 3.100 phần ăn được các đơn vị này phát tặng người dân. Số còn lại sẽ do tình nguyện viên của bếp phát tặng” - Đại đức Thích Minh Phú nói.•
TP.HCM không có chủ trương ngừng các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo Đến thời điểm này, TP.HCM không có chủ trương ngừng các hoạt động chăm lo, thiện nguyện để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong các bếp ăn, các điểm phát thức ăn thiện nguyện có thể phối hợp cùng hệ thống Mặt trận các cấp phường, xã, thị trấn hay các quận, huyện để cùng nhau thực hiện. Việc kết hợp với hệ thống Mặt trận các cấp sẽ giúp các bếp ăn, điểm phát cơm từ thiện có một “tấm vé thông hành” khi TP bước vào cao điểm thực hiện giãn cách. Sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau của người dân TP trong thời điểm này là rất quý, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM rất mong sẽ là cầu nối để lan tỏa tình cảm này của người dân đến với nhau. Bà PHAN KIỀU THANH HƯƠNG, THANH TUYỀN ghi |