Xe tiêm vắc xin lưu động do Thaco sản xuất sẽ đi từng hẻm ở TP.HCM trong đợt tiêm chủng - Ảnh:chinhphu.vn
TP.HCM là một trong những địa phương được ưu tiên phân bổ số lượng lớn vắc xin với hơn 1,1 triệu liều.
* Kế hoạch tiêm 1,1 triệu liều vắc xin tại TP.HCM trong thời gian tới được triển khai thế nào?
- Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5 với 1,1 triệu liều được thực hiện trong vòng 2 - 3 tuần (tùy theo tình hình diễn biến dịch) tại TP Thủ Đức và các quận, huyện với 312 phường, xã.
Để chuẩn bị cho chiến dịch này, thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó có thành lập Trung tâm điều phối tiêm vắc xin; mỗi phường xã tối thiểu tổ chức 2 điểm tiêm (624 điểm tiêm), hoạt động từ 8h sáng đến 20h mỗi ngày với mỗi điểm tiêm chủng tiêm cho 120 người/ngày.
Mỗi quận huyện cũng thành lập trung tâm tổ chức tiêm chủng.
* TP.HCM đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Việc tiêm vắc xin sẽ diễn ra thế nào để đảm bảo an toàn?
- Ngày 11-7, Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM cần phải tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 hợp lý, không để người dân phải ra khỏi nhà nhiều và tránh tập trung đông người trong bối cảnh thành phố đang thực hiện chỉ thị 16.
Theo đó, việc tiêm chủng được thực hiện tại các trạm y tế xã phường, các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế...), đảm bảo giãn cách và 5K, phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm...
Đặc biệt cần đơn giản hóa quy trình tiêm để hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Bên cạnh các điểm tiêm cố định cũng sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ với các xe tiêm lưu động.
Hiện Bộ Y tế điều tới TP.HCM 30 xe tiêm lưu động đặc chủng có sẵn thùng đựng vắc xin theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin, bàn tiêm... Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, hết hẻm này sẽ sang hẻm khác.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin - truyền thông đã cho ra đời ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm.
* Thế nào là "tiêm vắc xin online"?
Theo hướng dẫn của nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin quốc gia vừa được Chính phủ triển khai, người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin qua một trong hai hệ thống là ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên smartphone (dành cho cá nhân) hoặc cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tiemchungcovid19.gov.vn (dành cho cá nhân và các tổ chức).
Với ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, người dân cần đăng ký tài khoản (cung cấp họ và tên, số điện thoại), rồi đăng ký tiêm chủng vắc xin COVID-19 (cung cấp thông tin ngày sinh, giới tính, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, nghề nghiệp) và khai báo y tế, cũng như đồng ý tiêm chủng.
Việc đăng ký qua cổng thông tin tiêm chủng trên trình duyệt web cũng được tiến hành với các bước tương tự với hai lựa chọn đăng ký cho cá nhân hoặc tổ chức.
* Quy trình diễn ra thế nào sau khi đăng ký tiêm vắc xin online thành công?
- Sau khi đăng ký, cam kết và đồng ý tiêm chủng xong, người dân sẽ nhận được thông báo: "Bộ Y tế đang tiến hành thu thập nhu cầu và thông tin để lập danh sách các đối tượng đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 theo từng địa bàn".
Sau đó, đơn vị y tế sẽ liên hệ với người dân theo số điện thoại đã đăng ký khi có kế hoạch tiêm trong thời gian sớm nhất.
Sau khi tiêm chủng, người dân có đăng ký tài khoản trên ứng dụng sổ sức khỏe điện tử sẽ nhận được chứng nhận đã tiêm chủng qua ứng dụng.
Chứng nhận sẽ được hiển thị giống như một hộ chiếu tiêm chủng vắc xin với thông tin cá nhân của người được tiêm, số mũi đã tiêm, và một mã QR code để dễ dàng quét tại các điểm, dịch vụ cần sử dụng.
Những người không đăng ký ứng dụng cũng có thể tra cứu kết quả, chứng nhận qua cổng thông tin tiêm chủng quốc gia.
Sự cố khi đăng ký tiêm vắc xin online
Ngày 11-7, rất nhiều người dân phản ảnh không thể đăng ký qua ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh cũng như cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tiemchungcovid19.gov.vn.
Theo phản ảnh của nhiều người dùng, những trục trặc xảy ra khi thao tác trên ứng dụng gồm: không gửi mã xác thực OTP về điện thoại; liên tục báo lỗi hệ thống; ứng dụng treo trong khi mã OTP liên tục gửi về điện thoại; gây khó khăn cho người sử dụng điện thoại có màn hình nhỏ…
Tuổi Trẻ đã chuyển các phản ảnh của người dùng đến đơn vị phát triển ứng dụng sổ sức khỏe điện tử cũng như nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin quốc gia nhưng vẫn chưa nhận được thông tin trả lời.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
TTO - Việc tiêm vắc xin COVID-19 tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội được thực hiện tại các trạm y tế phường, xã, các cơ sở y tế và nhiều điểm tiêm nhỏ do các xe tiêm lưu động đến tận nơi.