Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ từng đi qua khu vực gần Hoàng Sa vào tháng 5-2021- Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 12-7 trên tài khoản WeChat, Bộ chỉ huy Chiến khu Đông bộ Trung Quốc cho biết vụ "đuổi tàu Mỹ" diễn ra cùng ngày. Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã được triển khai theo dõi và xua chiếc tàu chiến của Mỹ.
Cơ quan này tiếp lời chỉ trích đây là bằng chứng cho việc Mỹ quân sự hóa Biển Đông và cáo buộc Washington là "kẻ gây rủi ro" tại khu vực.
"Chúng tôi hối thúc Mỹ lập tức ngừng các hành động khiêu khích" - Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của phía Trung Quốc.
Vụ việc diễn ra cùng lúc với tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ngày 11-7, giờ Mỹ, về lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề Biển Đông ngày 11-7, nhân kỷ niệm 5 năm ngày phán quyết Biển Đông (12-7-2016) của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong vụ kiện "đường lưỡi bò" phi pháp ở Biển Đông do Philippines đệ trình.
"Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13-7-2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Blinken, nhắc đến chính sách dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump coi các tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ở hầu hết Biển Đông là phi pháp.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định "không có nơi nào mà trật tự hàng hải dựa trên luật pháp lại bị đe dọa như ở Biển Đông". Ông cáo buộc Trung Quốc "cưỡng ép, đe dọa các nước ven biển ở Đông Nam Á, đe dọa tự do đi lại trên tuyến đường toàn cầu quan trọng này".
Washington cũng nhắc lại cam kết sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Theo phán quyết 2016, tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ để đòi chủ quyền và cái gọi là chủ quyền lịch sử hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Đây không phải lần đầu tiên tàu Mỹ thách thức Trung Quốc ở Hoàng Sa. Trung Quốc ngày 20-5 khẳng định đã "trục xuất" tàu USS Curtis Wilbur (DDG-54) của Mỹ khi tàu này "xâm nhập trái phép" vào quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, hải quân Mỹ khẳng định con tàu đang tham gia hoạt động tự do đi lại phù hợp luật pháp quốc tế.
Trước đó, Mỹ ngày 5-2 cho biết tàu khu trục USS John S. McCain của nước này đã tiến gần quần đảo Hoàng Sa trong một hoạt động thúc đẩy tự do hàng hải.
TTO - Trong thông báo ngày 20-5, Hải quân Mỹ khẳng định tàu khu trục USS Curtis Wilbur đang tham gia hoạt động tự do đi lại phù hợp luật pháp quốc tế tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, và thông tin tàu bị trục xuất là "sai sự thật".
Xem thêm: mth.17881332121701202-as-gnaoh-o-ym-neihc-uat-ioud-ob-neyut-couq-gnurt/nv.ertiout