Từ 2 con bò được bố mẹ để lại, giờ đây đàn bò vàng của Chừ Mí Phư đã lên tới gần 30 con. Chàng trai trẻ người dân tộc Mông ở cao nguyên đá Hà Giang này đã trở thành điển hình làm kinh tế để bà con dân bản học theo.
Vay tiền nuôi bò, chuyện chưa ai dám làm
Sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới đặc biệt khó khăn, Vừ Mí Phư (xã Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang) từng sống trong cảnh thiếu đói, chưa đến mùa đã hết gạo. Điều đó đã làm Phư trăn trở, quyết tâm tìm hướng đi cho riêng mình.
Năm 2014, sau khi lập gia đình, được bố mẹ để lại cho 2 con bò sinh sản, Vừ Mí Phư anh đã "liều lĩnh" vay vốn để phát triển đàn bò. Mới học hết lớp 3, Phư phải nghỉ học cùng bố mẹ lên nương trồng ngô trên núi đá. Cái chữ đã ít nên việc vay vốn ngân hàng nuôi bò bị nhiều người trong gia đình rất e ngại.
Phư nhớ lại: "Đã biết ngân hàng là thế nào đâu, nay tính chuyện vay tiền để nuôi thêm bò nên ai cũng sợ. Sợ vì không trả được, rồi lại không biết gặp ai, làm các thủ tục như thế nào để vay được tiền. Lúc đó, tôi xem trên tivi thấy người ta nói nhà nước cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc vay vốn để làm kinh tế nên thử tìm hiểu xem sao".
Nói là làm, Vừ Mí Phư tìm tới cán bộ xã để hỏi về việc vay vốn, được cán bộ hướng dẫn qua bên điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội làm các thủ tục. Vì thuộc là hộ nghèo nên Phư đã vay được vay 30 triệu đồng trong thời gian 3 năm để phát triển kinh tế gia đình.
Số tiền này một phần Phư dùng để cải tạo, mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Bao đời nay, người dân trên cao nguyên đá luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn cho bò vào mùa đông khiến bò bị đói, giảm sức đề kháng và chết rét. Vì thế, tích trữ cỏ cho bò ăn khi mùa đông tới là việc đầu tiên Phư làm.
Phần còn lại của số vốn vay, Phư sửa chữa và mở thêm 2 chuồng trại kiên cố để đón đầu lứa bò sắp sinh sản. Vừ Mí Phư cho rằng, việc dân bản làm chuồng trại tạm bợ đã khiến trâu bò thường bị dịch bệnh, chết rét vào mùa đông. Nếu mình muốn phát triển được số lượng đàn bò lớn thì phải có được chỗ ở kiên cố, ấm áp cho chúng.
Vừ Mí Phư chia sẻ: "Giống bò vàng đã quen với khí hậu trên cao nguyên đá, khả năng kháng bệnh tốt nhưng không phải không có rủi ro. Từng có thời điểm, đàn bò bị bệnh tưởng không qua khỏi, nguy cơ mất trắng công sức bao năm của cả gia đình".
Phư đã tìm đến các hộ có kinh nghiệm nuôi bò lâu năm, tìm hiểu các tài liệu về chăn nuôi để làm chủ kỹ thuật phòng chống bệnh cho bò. Nhờ đó, đàn bò của Vừ Mí Phư vẫn giữ được số lượng qua nhiều đợt dịch bệnh.
Sau 3 năm, từ 2 con bò ban đầu đã sinh sản phát triển thêm thành 7 con. Vừ Mí Phư bán đi 2 còn để lấy tiền trả ngân hàng chính sách, số còn lại được dùng để mua sắm một số vật dụng trong gia đình và tiếp tục làm thêm chuồng trại kiên cố.
Suy nghĩ cả bản phải cùng thoát nghèo
Hơn 7 năm gắn bó nuôi bò sinh sản, Phư đã có được 4 khu chuồng trại riêng biệt, mỗi chuồng nuôi từ 4-5 con bò các loại. Bò được nuôi gối theo lứa từ 5 - 6 tháng xuất bán một lần. "Mỗi con bò vàng được bán với giá từ 35 đến 40 triệu đồng, thu nhập từ bán bò mỗi năm đạt từ trên 300 triệu đồng. Số tiền này nếu đi làm thuê sẽ không thể có được" - Vừ Mí Phư hồ hởi.
Bắt đầu từ năm 2018, Phư giúp các hộ đặc biệt khó khăn trong thôn nuôi bò sinh sản luân chuyển bằng chính 5 con bò của gia đình. Đến nay, 5 con bò hỗ trợ đã sinh sản thêm 10 con bê, số bò cái lại được luân chuyển cho 10 hộ tiếp theo. Nhờ được hỗ trợ bò luân chuyển mà nhiều gia đình trong thôn đã vươn lên thoát nghèo.
Anh Ly Mí Tự - người được Phư hỗ trợ bò cái sinh sản trong năm 2019 - đã thành công nhân giống được một con bê béo tốt. Tự bộc bạch: "Chúng tôi rất biết ơn gia đình anh Phư đã giúp đỡ. Bây giờ, nhà mình cần phải trồng thêm nhiều cỏ để chăn nuôi bò tốt như anh ấy, có như vậy đời sống mới phát triển".
Với bà còn dân bản trên vùng núi đá này thì chàng trai 30 tuổi Vừ Mí Phư đã trở thành một điển hình về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo được nhiều thanh niên trẻ ngưỡng mộ, tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2020, Vừ Mí Phư đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2020.
Sự ghi nhận này cũng chính là động lực để Phư và những người dân tộc trẻ tuổi khác tiếp tục nuôi khát khao, quyết tâm làm giàu trên cao nguyên đá cộc cằn đầy gian khó này.
Xem thêm: odl.551629-hnit-hcit-uhc-nehk-gnab-nahn-coud-ad-neyugn-oac-nert-gnom-gnahc-neyuhc/et-hnik/nv.gnodoal