Lô vắc xin 2 triệu liều của hãng Moderna tới sân bay Nội Bài, Hà Nội sáng sớm 10-7 - Ảnh: NAM TRẦN
Song song với các giải pháp khác, vắc xin chính là "chìa khóa" chống dịch và "chìa khóa" ấy đang dần được mở ra...
Với mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 phải mua được 150 triệu liều vắc xin tiêm cho ít nhất 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bộ ngành đã tích cực đàm phán, tiếp cận với tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới.
Theo Bộ Y tế, kể từ lô vắc xin đầu tiên về nước hồi tháng 4-2021, đến nay cả nước đã tiêm được gần 4 triệu liều vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Dự kiến trong tháng 7 có thêm 8,7 triệu liều vắc xin các loại, sẽ được ưu tiên cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang có diễn biến dịch phức tạp. Vắc xin cũng sẽ được phân phối cho một số địa phương cần duy trì để phát triển kinh tế.
Để sớm có miễn dịch cộng đồng, bằng mọi cách phải bao phủ tiêm chủng. "Vắc xin có tính chất quyết định, nếu nước nào tiêm được vắc xin sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường" - Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhiều lần khẳng định.
Và đây chính là giải pháp "sống còn", đang được các nước quanh khu vực tăng tốc thực hiện lâu nay. Chẳng hạn, Malaysia đã mở ra nhiều "siêu trung tâm tiêm chủng", sử dụng cả xe tải lưu động tiêm vắc xin; Indonesia cho phép người cao tuổi đến bất cứ cơ sở nào đã được chỉ định tiêm vắc xin mà không cần đăng ký trước; còn Ấn Độ đạt kỷ lục quốc gia khi tiêm vắc xin cho khoảng 8,6 triệu người chỉ trong một ngày...
Ở Việt Nam, với số ca mắc đang tăng cao và khi nguồn cung hạn chế, việc có thêm một số lượng vắc xin dù khiêm tốn cũng là điều rất đáng quý lúc này. Từ nguồn vắc xin đó, chúng ta đã cố gắng "cân kéo" theo kiểu "con nhà nghèo" để các đối tượng được tiêm ngày một nới rộng, nhường cho địa phương và khu vực đang cần hơn.
Mặt khác để "có vắc xin càng sớm càng tốt", Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế "mở" như thành lập quỹ vắc xin; cho phép các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin; khuyến khích các địa phương chủ động tìm nguồn cung ứng và cắt giảm các thủ tục cản trở nghiên cứu... với hy vọng sớm có vắc xin trong nước.
Đặc biệt, với chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử vừa được phát động đã khẳng định "Quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước sớm trở lại bình thường" như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
"Chìa khóa" vắc xin đang dần mở. Tất cả đã sẵn sàng. Có chăng vấn đề cần điều chỉnh lúc này là về công tác tổ chức, điều phối tiêm chủng sao cho an toàn, khoa học. Ngoài các cơ sở y tế đến tận phường xã, tới đây còn có tiêm chủng lưu động đến các địa bàn dân cư để tránh tình trạng tập trung quá đông người như vừa qua.
TTO - Tại TP.HCM, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5 dự kiến với 1,1 triệu liều được thực hiện trong vòng 2-3 tuần với 630 điểm tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm sẽ tiêm cho 120 người/ngày.
Xem thêm: mth.17374857031701202-om-gnad-nix-cav-aohk-aihc/nv.ertiout