Khi con gái của Grace Tahir bước sang tuổi 14, hai mẹ con đã ngồi xuống để cùng nói chuyện về nghề nghiệp.
Là gia đình có liên quan tới hai vị tỷ phú của Indonesia, cuộc sống an nhàn luôn là lựa chọn của những người phụ nữ trong gia đình này, nhưng con gái của Tahir lại muốn được làm việc, giống như mẹ mình. Điều đó mang lại cho Tahir một quyết tâm mới, là giúp đỡ phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp, đồng thời rót nhiều vốn hơn vào các khoản đầu tư lấy phụ nữ làm trọng tâm.
“Tôi rất ghét phải chứng kiến cái cảnh trong 10 hay 20 năm tới, khi họ gia nhập lực lượng lao động, họ lại phải đối mặt với tình huống tương tự như tôi bây giờ, tức là có rất nhiều lĩnh vực đều do nam giới thống trị”, Tahir, 44 tuổi, cho hay. Cô là nhà sáng lập của một số startup, đồng thời là một giám đốc trong tập đoàn Bệnh viện Mayapada của gia đình.
Tahir có mối quan tâm đặc biệt đối với hoạt động đầu tư dưới lăng kính giới tính, tức là đầu tư để lấy lợi nhuận trong khi vẫn cân nhắc lợi ích cho phụ nữ, cả hai đều thông qua việc cải thiện cơ hội kinh doanh và phúc lợi xã hội cho các bé gái và phụ nữ. Đây là cũng là mối quan tâm ngày càng phổ biến trong các gia đình giàu có ở châu Á, khi thế hệ trẻ thừa kế tài sản từ gia đình dồn tiền để làm việc theo định hướng mới của bản thân họ. Một số nghiên cứu hiện nay cho thấy việc tập trung vào công ty bình đẳng giới có thể giúp các quỹ quản lý danh mục đầu tư hoạt động tốt hơn.
Sự phát triển của làn sóng đầu tư vào nữ giới đặc biệt quan trọng vào thời điểm hiện tại khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, sự chênh lệch về tiền lương và khả năng tiếp cận nguồn vốn giữa phụ nữ và đàn ông trở nên tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19. Theo công ty cung cấp dữ liệu PitchBook, vốn đầu tư cho các nhà sáng lập là nữ giới giảm 31% trong năm 2020, cao hơn mức giảm 16% đối với nam giới.
Việc tập trung vào công ty bình đẳng giới có thể giúp các quỹ quản lý danh mục đầu tư hoạt động tốt hơn. Ảnh: Pexels.
Hầu hết nhà đầu tư theo giới tính nữ đều tìm kiếm 3 yếu tố quan trọng trong một công ty, đó là số lượng nhà đồng sáng lập là nữ, số lượng nữ giới đảm nhiệm các vai trò quản lý cấp cao và liệu sản phẩm mà doanh nghiệp này đang tạo ra phục vụ hay gây ảnh hưởng đến phụ nữ.
Khối tài sản mà các tổ chức đầu tư theo giới tính nữ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á quản lý đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2019, báo cáo của công ty tư vấn Catalyst at Large cho hay. Dù vẫn còn là một con số nhỏ so với quy mô toàn ngành đầu tư, song báo cáo này chỉ ra rằng chiến lược đầu tư dưới lăng kính giới tính đang phát triển nhanh chóng, thậm chí các văn phòng gia đình bí mật ở châu Á cũng bắt đầu tham gia xu hướng này.
Trên phạm vi toàn cầu, khoảng 7,7 tỷ USD đã được phân bổ cho các tổ chức đầu tư theo giới tính nữ vào năm 2019 và con số này có thể đã đạt 20 tỷ USD vào năm ngoái khi ngày càng nhiều người xem đây là động lực để đạt hiệu quả vượt trội trong đầu tư, Suzanne Biegel, nhà sáng lập của Catalyst at Large, chia sẻ. Những công ty có đội ngũ điều hành đa dạng về giới tính thường có tăng trưởng doanh số tốt hơn, trong khi các nhóm đầu tư có khả năng cân bằng giới tính có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn.
SoGal Ventures - được đồng sáng lập bởi Pocket Sun, 30 tuổi ở Bắc Kinh, Trung Quốc - là một quỹ đầu tư tập trung vào phụ nữ hoạt động khá tốt. Sun cho biết 35 trong số 38 công ty thuộc danh mục đầu tư của cô có đồng sáng lập là phụ nữ. Quỹ của Sun, hiện quản lý khối tài sản trị giá 15 triệu USD, có tỷ lệ hoàn vốn nội bộ là 80% kể từ khi được thành lập vào năm 2017.
“Đầu tư vào phụ nữ là ra vàng đó”, Sun nói.
Một trong những quỹ mà Tahir đang hỗ trợ là Teja Ventures, được thành lập bởi Virginia Tan vốn là cựu luật sư đang sống ở Singapore. Khi làm việc ở Bắc Kinh, Tan đã xây dựng các cộng đồng dành cho nữ doanh nhân nhằm kết nối với đồng nghiệp ở mọi nơi trong bối cảnh làn sóng khởi nghiệp bùng nổ.
Năm 2015, Tan đồng sáng lập ra She Loves Tech, công ty chuyên tổ chức cuộc thi cho các startup tập trung vào nữ giới và nhà đồng sáng lập của họ. Sau này, Tan thành lập Teja một phần để giải quyết tình trạng thiếu vốn cho một số ứng viên tham gia dự thi. “Nhu cầu thì rất lớn nhưng họ không có vốn, chẳng có gì để có thể biến ý tưởng của họ thành công”, Tan cho hay.
Quỹ 10 triệu USD đầu tiên của Teja tập trung rót cho các thương vụ ở châu Á đang ở giai đoạn hạt giống như chuỗi nhà hàng ăn chay Burgreens ở Indonesia với một đồng sáng lập là nữ giới và mạng xã hội dành cho phụ nữ Sheroes ở Ấn Độ. Tan cho biết 80% công ty mà Teja hỗ trợ đã thực hiện vòng gọi vốn mới trong năm ngoái và danh mục đầu tư của Teja đã tăng gấp đôi về giá trị. Quỹ này đang chuẩn bị để bắt đầu vòng gọi vốn thứ 2 trị giá 50 triệu USD vào cuối năm nay.
Ngay cả các văn phòng gia đình cũng đang nhảy vào làn sóng đầu tư vào nữ doanh nhân.
Giám đốc đầu tư của Văn phòng Gia đình Tsao, Diana Watson, mới đây đã yêu cầu những công ty đang gọi vốn từ Tsao phải thống kê giới tính của HĐQT, các lãnh đạo quan trọng và nhóm đàm phán. Văn phòng Gia đình Tsao là đơn vị quản lý tài sản của cố tài phiệt người Singapore, Frank Tsao.
“Nếu có hai cơ hội giống nhau, việc thiếu sự đa dạng về giới tính sẽ khiến một công ty mất đi cơ hội được rót vốn”, bà Watson cho hay.
Kuok Meng Xiong, cháu trai của tỷ phú người Malaysia Robert Kuok, lúc đầu không có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư theo giới tính nữ. Tuy nhiên, vị giám đốc 40 tuổi của văn phòng gia đình K3 Ventures này cuối cùng vẫn ủng hộ các công ty do phụ nữ lãnh đạo, như công ty phát triển prebiotics (một chất thường được tìm thấy trong sữa mẹ) của Mỹ và một startup vận tải của Việt Nam.
“Rất tình cờ, chúng tôi phát hiện ra những người sáng lập nữ này, những người mà chúng tôi vô cùng tôn trọng. Tôi nghĩ sẽ ngày càng có nhiều công ty có năng lực tốt do phụ nữ lãnh đạo nhận được vốn từ các tổ chức đầu tư”, ông Kuok cho biết.
Thạch Lam
NDH
Xem thêm: nhc.19044943131701202-nahn-hnaod-un-cac-oav-nov-tor-cuc-hcit-uaig-ueis-ioig/nv.zibefac