Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên mới đây, công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã: HPX) đã thông qua báo cáo đề xuất Đầu tư 4 dự án thuộc TP. Điện Biên Phủ.
Đây là 4 dự án đô thị, nhà ở gồm Khu đô thị sân bay Mường Thanh (thuộc phường Thanh Bình và phường Thanh Trường, quy mô khoảng 23,41ha); khu nhà ở trung tâm hành chính mới (thuộc phường Noong Bua, quy mô khoảng 6,79ha); khu đô thị phía Tây Bắc thành phố (phường Thanh Trường, quy mô khoảng 48,25ha); khu đô thị mới Him Lam (phường Him Lam, quy mô khoảng 12ha).
Được biết, 4 dự án nằm trong tổng thể quy hoạch các dự án (dự án nâng cấp mở rộng cảng hàng không Điện Biên, dự án trung tâm hành chính chính trị Điện Biên), có vị trí trung tâm gần các điểm du lịch di tích lịch sử như Hầm Đờ cát, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1…
Trước đề xuất của Hải Phát Invest, ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, đề xuất được đầu tư các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP.Điện Biên Phủ của doanh nghiệp là phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh.
Về Hải Phát Invest, doanh nghiệp này được thành lập cuối năm 2003 do ông Đỗ Quý Hải làm Chủ tịch HĐQT. Ông Hải được biết đến là một trong những đại gia nổi tiếng trên thị trường bất động sản miền Bắc.
Hiện, ông Đỗ Quý Hải là người giàu thứ 49 trên sàn chứng khoán Việt Nam khi sở hữu hơn 92 triệu cổ phiếu HPX, với tổng giá trị tài sản lên đến 2.928 tỷ đồng.
Sau 18 năm xây dựng và phát triển, Hải Phát Invest hiện có hơn 10 công ty con và công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng nhà ở, công trình đường sắt, đường bộ, kỹ thuật dân dụng, lắp đặt hệ thống điện và bất động sản.
Trong số các công ty con của Hải Phát Invest phải kể đến những công ty như công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phát, công ty Cổ phần Xây lắp Hải Phát, công ty Cổ phần bất động sản Hải Phát, công ty Cổ phần Đầu tư An Thịnh, công ty Cổ phần Hải Phát Thủ đô…
Những năm gần đây, doanh nghiệp này là chủ đầu tư và tham gia liên danh, liên kết với các đối tác khác thực hiện đầu tư xây dựng nhiều dự án có quy mô lớn tại Hà Nội như dự án khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông; dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp The Pride thuộc khu đô thị An Hưng; dự án khu đô thị mới Phú Lương…
Không chỉ phát triển tại thị trường miền Bắc, Hải Phát Invest mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Nam như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ…
Doanh nghiệp chính thức niêm yết lên sàn HoSE vào năm 2018. Tại lần thay đổi gần nhất, công ty có vốn điều lệ gần 2.645 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của Hải Phát Invest, năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm 62% xuống 1.330 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 78% xuống 98 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, Hải Phát Invest đạt 447 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 61 tỷ đồng thặng dự vốn cổ phần. Sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ thì doanh nghiệp còn lại 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Bước sang năm 2021, Hải Phát Invest đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 390 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2021, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu thuần 250 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ, do doanh thu kinh doanh bất động sản giảm 77% còn 66,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động khác tăng 116% lên 183 tỷ đồng. Giá vốn giảm 48%, theo đó biên lãi gộp cải thiện từ 21% lên 40%.
Doanh thu tài chính cũng giảm 85% còn 9,5 tỷ đồng do quý I/2021 không ghi nhận lãi bán các khoản đầu tư trong khi năm ngoái đạt 59 tỷ đồng. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ công ty, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 68%, đạt hơn 56 tỷ đồng do sự đóng góp của các công ty thành viên. Tổng tài sản của Hải Phát Invest đến cuối quý I/2021 đạt 7.538 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu kỳ.
Về nợ phải trả, người mua trả tiền trước chiếm 105 tỷ đồng, tăng 59%. Vay và nợ thuê tài chính là 2.564 tỷ đồng, phần lớn vay từ công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest, ngân hàng Bảo Việt và ngân hàng Indovina. Nợ vay chủ yếu là ngắn hạn, hơn 1.596 tỷ đồng.
Trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ hoàn thành thủ tục đưa Địa ốc Châu Sơn thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn UpCOM. Đồng thời, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 2.645 tỷ đồng lên 3.042 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư là một trong những trọng tâm của tỉnh Điện Biên gần đây. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp lớn. Cuối tháng 6, địa phương đã làm việc với tập đoàn Flamingo về đề xuất đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái rộng 200 ha thuộc xã Thanh Minh và phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ.
Trước đó, đầu tháng 3/2021, Điện Biên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư một số dự án với tập đoàn FLC như khách sạn, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại phường Thanh Trường, TP.Điện Biên Phủ; Dự án tổ hợp sân golf, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.