Doanh nghiệp và GDP
Bùi Trinh
(KTSG) - Năm tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng thời gian đó có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy có thể thấy số doanh nghiệp ngừng kinh doanh cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm tháng đầu năm 2021.
Số liệu trong niên giám thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước trong GDP chỉ tăng 2,8 điểm phần trăm từ năm 2010-2019 và chiếm chưa tới 10% trong GDP. Tỷ trọng này của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 5,2 điểm phần trăm, từ 15,15% năm 2010 lên 20,35% năm 2019.
Quy mô GDP của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào kinh tế cá thể.
Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng số doanh nghiệp không hoạt động sản xuất (không có kết quả sản xuất) tăng lên thì việc đếm số lượng doanh nghiệp chẳng có ý nghĩa gì. |
Chú ý rằng mục “kinh tế nhà nước” trong GDP bao gồm giá trị tăng thêm của các doanh nghiệp nhà nước và giá trị tăng thêm của các cơ quan thuộc Nhà nước hoạt động bằng tiền ngân sách.
Chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước chiếm xấp xỉ 7% GDP và giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 20% GDP. Tuy nhiên, nợ phải trả so với nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước tăng từ 3,1 : 1 năm 2011 lên 4,2 : 1 năm 2018.
Theo số liệu từ Sách trắng của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ngày càng có xu hướng giảm đi. Nếu bình quân giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh chiếm 93% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thì đến năm 2018 tỷ lệ này chỉ là 85%.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê không thấy nói rõ chỉ tiêu này. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng số doanh nghiệp không hoạt động sản xuất (không có kết quả sản xuất) tăng lên thì việc đếm số lượng doanh nghiệp chẳng có ý nghĩa gì. Những điều này cho thấy số lượng doanh nghiệp có tăng lên hay giảm đi không ảnh hưởng nhiều đến quy mô GDP.
Tăng trưởng GDP để làm gì khi thu nhập giảm? Ai được hưởng lợi từ tăng trưởng GDP? Trong khi nền kinh tế tồn tại đầy nghịch lý và tiềm ẩn những rủi ro lớn như tín dụng tăng cao, tổng phương tiện thanh toán so với GDP khá cao và ngày càng tăng (144% năm 2015, 158% năm 2016, 164% năm 2018, 166% năm 2018, 175% năm 2019 và 200% năm 2020).
Một số ngân hàng lớn báo lãi khủng và như một điều tất yếu là khi ngân hàng “lãi” dẫn đến nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng không hay. Tổng phương tiện thanh toán tăng cao, tín dụng tăng cao nhưng nền kinh tế vẫn khó khăn về vốn. Vậy lượng tiền này đi đâu? Phải chăng vào bất động sản, chứng khoán và chạy loanh quanh từ ngân hàng đến doanh nghiệp rồi lại quay về ngân hàng khác.
Thực chất các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam khá yếu ớt và dễ bị tổn thương do những bất cập trong môi trường kinh doanh và hành xử thiếu thân thiện của không ít cơ quan quản lý nhà nước. Dịch Covid-19 làm cho họ càng yếu hơn nữa.
Xem thêm: lmth.pdg-av-peihgn-hnaod/260813/nv.semitnogiaseht.www