Nhiều người tiếp tục bức xúc trước các nội dung bất hợp lý tại Thông tư 40/2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây.
Đặc biệt, theo các ví dụ hướng dẫn nộp thuế đưa ra tại thông tư này thì cá nhân, hộ kinh doanh dù kinh doanh không trọn năm, doanh thu không đủ 100 triệu đồng/năm vẫn phải nộp thuế.
Quy định đúng nhưng ví dụ sai
Ông Tuấn Anh (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết mặc dù theo quy định hiện hành, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế. Song nếu chiếu theo các ví dụ tại Thông tư 40/2021 thì cơ quan thuế lại lấy doanh thu tháng để tính khoán cho cả năm, áp đặt theo hướng có lợi cho cơ quan thuế và gây thiệt thòi cho người dân.
Ông Tuấn Anh dẫn chứng: Ông nộp thuế khoán trên doanh thu tháng là 10 triệu đồng/tháng. Theo hướng dẫn tính thuế tại Thông tư 40 thì doanh thu tương ứng của ông là 120 triệu đồng/12 tháng, vì vậy ông phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT.
Tuy nhiên, như năm ngoái ông chỉ kinh doanh được sáu tháng do ảnh hưởng của dịch và vẫn phải đóng thuế bình thường. Còn năm nay thì mới kinh doanh được hai tháng, doanh thu chỉ 20 triệu đồng cũng phải nộp thuế dù chưa kinh doanh trọn năm.
“Quy định kiểu này là tận thu người nộp thuế. Đặc biệt trong thời gian người dân kinh doanh khó khăn do dịch bệnh, họ chỉ kinh doanh được vài tháng, doanh thu chỉ vài chục triệu đồng cũng phải đóng thuế là bất hợp lý, không công bằng” - ông Tuấn Anh bức xúc.
Theo quy định hiện hành, thuế được tính theo doanh thu thực tế trong năm dương lịch chứ không phải tính tháng rồi quy ra năm như Thông tư 40. Trong ảnh: Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhiều hộ cho thuê nhà cũng phân tích: Thay vì căn cứ theo doanh thu thực tế của người cho thuê nhà, cơ quan thuế lại căn cứ vào tổng doanh thu danh nghĩa tính theo 12 tháng để tính thuế nếu đạt 100 triệu đồng/năm là không hợp lý. Bởi điều này sẽ dẫn đến tình trạng dù cả năm chỉ cho thuê được vài tháng, chủ nhà vẫn phải nộp thuế cả năm.
Phân tích thêm về vấn đề này, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho biết: Thông tư 40/2021 đưa ra ví dụ hướng dẫn không đúng, khiến người dân kinh doanh dưới 100 triệu đồng vẫn phải nộp thuế mà không được hoàn.
Cụ thể, tại Điều 7 Thông tư 40/2021 quy định tất cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không trọn năm với mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế GTGT, TNCN… Doanh thu tính thuế thực tế để xác định mức thuế khoán phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.
Thế nhưng, ví dụ hướng dẫn cách tính thuế đưa ra trong Thông tư 40 lại “trật chìa” với quy định tại điều này. Ví dụ đưa ra là: ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4-2022 và dự kiến có doanh thu khoán của chín tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu đồng/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng).
Như vậy, ông A thuộc diện phải nộp thuế GTGT, TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4-2022 là 90 triệu đồng.
“Ví dụ như vậy thì cá nhân, hộ kinh doanh dù kinh doanh một tháng, vài tháng, chưa kinh doanh trọn năm và doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm cũng phải nộp thuế” - ông Xoa nói.
Phải sửa hoặc thay thế bằng thông tư khác
Sau khi bị cộng đồng người kinh doanh phản ứng, đại diện Tổng cục Thuế mới đây lên tiếng giải thích và cam kết rằng cá nhân kinh doanh, bao gồm cả cá nhân cho thuê tài sản, có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khi thông tư có sai sót thì cơ quan ban hành phải có văn bản đính chính hoặc ban hành thông tư khác sửa đổi để tránh ảnh hưởng đến người dân chứ không thể “nói miệng”. Bởi vì cán bộ thuế các địa phương sẽ căn cứ vào thông tư để tính thuế chứ không căn cứ vào lời nói miệng.
Chuyên gia thuế Trần Xoa cho rằng những thông tin đính chính bằng văn bản chỉ đạo hay chỉ “nói miệng” trên báo chí, trên website từ phía Tổng cục Thuế là cần thiết nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi ví dụ để hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 40 là trái luật, gây bất lợi cho người nộp thuế nên cần phải bãi bỏ.
“Thông tư 40 do Bộ Tài chính ban hành nên việc đính chính hay sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền của bộ này. Còn Tổng cục Thuế chỉ cam kết bằng miệng hoặc đưa ra văn bản là không đúng quy định của luật ban hành văn bản. Vì vậy Bộ Tài chính cần sửa đổi Thông tư 40 để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định thuế, tránh tình trạng mỗi nơi một cách hướng dẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân” - ông Xoa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng thông tư của bộ trưởng hay thủ trưởng cơ quan ngang bộ là một trong 26 loại văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 12 luật này cũng quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó thông tư chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng một thông tư của chính cơ quan đã ban hành. Khi ban hành thông tư mới, cơ quan ban hành phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của thông tư cũ.
“Nếu chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ bằng văn bản danh mục phần thông tư đã ban hành trái quy định. Ngoài ra một thông tư có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung nhiều thông tư khác do cùng cơ quan ban hành” - ông Nghĩa nói.•
Tránh gây tâm lý bất an cho người kinh doanh Theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, đối với Thông tư 40, việc Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính ban hành các công văn chỉ đạo chỉ mang tính chất là văn bản ngành, văn bản nội bộ không có giá trị pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. |