Hiện nay, sầu riêng đang bước vào vụ thu hoạch. Do ảnh hưởng bởi dịch COVD-19, giá sầu riêng giảm đi khá nhiều so với mọi năm. Thế nhưng, so với các cây công nghiệp khác như mắc ca, càphê, ca cao, hồ tiêu... thì cây sầu riêng đang mang lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân Tây Nguyên.
Nông dân phấn khởi
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, vấn đề tiêu thụ nông sản của người nông dân gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh, xuống thấp. Thế nhưng, cây sầu riêng vẫn giữ được vị thế và đang mang lại niềm vui lớn cho người nông dân Tây Nguyên.
Ông Trương Đình Nhật, thôn Nam Phú, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, có 180 cây sầu riêng trồng giống Ri 6, Dona. Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Nhật có 20 cây đã bước vào thời kỳ thu hoạch chính.
Theo ông Nhật, năm nay, thời tiết thuận lợi, nên chất lượng và sản lượng sầu riêng của gia đình ông cao hơn mọi năm. Với 20 cây sầu riêng, ông Nhật thu khoảng được hơn 5 tấn quả, trung bình mỗi cây đạt 2,5 tạ quả. Tuần trước, vừa bán sầu riêng cho thương lái thu được 150 triệu đồng, trừ chi phí, ông Nhật lời khoảng 130 triệu đồng.
"Nếu giá sầu riêng giảm xuống tầm 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận vẫn cao hơn cà phê và nhiều cây trồng khác", ông Nhật cho biết.
Gia đình bà Trần Thị Tươi, ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), có 90 cây sầu riêng ghép. Theo tính toán của bà Tươi, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 350 triệu đồng từ vườn sầu riêng.
Theo bà Tươi, hiện đa số các hộ trồng sầu riêng đều bán sỉ sản phẩm cho các thương lái. Giá bán sỉ sầu riêng Ri6 vào khoảng 35.000 đồng/kg, sầu riêng Dona khoảng 55.000 đồng/kg, giảm khoảng 40-60% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung, ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa dự kiến thu khoảng 200 tấn quả sầu riêng. Theo ông Trung, những năm trước, vườn sầu riêng của gia đình đều “chốt” giá sớm, tiêu thụ dễ dàng. Nhưng năm nay, vì COVID-19 nên chậm hơn.
Nên xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm
Sầu riêng có giá cả cao nhưng để có trái bán thì không hề đơn giản. Chia sẻ về việc chăm sóc cây sầu riêng, bà Tươi cho biết, trồng sầu riêng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật mới đạt hiệu quả cao.
Cây sầu riêng rất dễ bị bệnh xì mủ, nứt thân và mùa khô hay bị nhện đỏ ăn trên mặt lá, dẫn đến rụng lá, rụng quả. Do đó, bà con phải ngăn ngừa, điều trị được các loại bệnh này thì sầu riêng mới mang lại hiệu quả kinh tế.
Trồng sầu riêng phải tưới nước và bón phân đầy đủ, hợp lý. Vào thời kỳ kinh doanh, ít nhất phải chăm sóc tỷ mỷ, suốt ngày "ăn ngủ ngoài vườn" thì quả sầu riêng mới đẹp, cho múi ngon và đạt năng suất cao. Do kỹ thuật chăm sóc và ảnh hưởng thời tiết, sầu riêng của các nhà vườn có thể cho năng suất tăng hoặc giảm.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, trong thời điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều loại trái cây giá xuống thấp khiến nhiều nông dân mất nguồn thu nhập, nhưng sầu riêng vẫn bảo đảm mức giá ổn định, đem lại lợi nhuận khá cao. Vì vậy, bà con nông dân đã chú trọng đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho vườn sầu riêng.
Theo ông Dần, hiện Đắk Nông có khoảng 3.000ha sầu riêng các loại. Với diện tích này, bà con không nên mở rộng mà nên tập trung thâm canh đúng kỹ thuật, trồng thêm cây chắn gió cho sầu riêng... để nâng cao chất lượng, năng suất. Ngoài ra, bà con cũng cần mở rộng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra theo hướng bền vững.
Điều đáng nói, hiện nay, thấy giá sầu riêng cao, ổn định, nhiều bà con nông dân đã và đang đưa nhiều giống sầu riêng có xuất xứ nước ngoài về trồng như sầu riêng Musang King, sầu riêng Thái... Đây là những giống cây trồng mới, chưa được đánh giá, khảo nghiệm ở địa phương, bà con cần cẩn trọng.
Xem thêm: odl.291039-neyugn-yat-o-gnort-yac-iaol-cac-auc-auv-al-gnad-gneir-uas/et-hnik/nv.gnodoal