Được biết, Sacombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên tuyên bố giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…. Đồng thời tiếp tục ưu đãi, miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Kỳ vọng về làn sóng giảm lãi suất cho vay
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết: Chương trình giảm lãi suất này sẽ kéo dài từ nay cho đến hết ngày 31-12. Ngoài ra, ngân hàng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi có qui mô lên đến 10.000 tỉ đồng, lãi suất từ 4%/năm dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh với thời hạn vay tối đa 6 tháng”.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhận định: Cho tới thời điểm này, dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, trong năm 2021 vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất cho vay”.
Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. Đồng thời, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng giao Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này.
Ngay sau đó, VNBA đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 16 ngân hàng thương mại là tổ chức hội viên của VNBA, để bàn về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tại đây, đại diện các tổ chức hội viên là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đồng lòng quyết tâm chia sẻ những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng nhau tìm giải pháp hỗ trợ vốn duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Sacombank giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm đối với khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân. Ảnh_Internet
Hỗ trợ doanh nghiệp: Cấp bách nhưng không thể cào bằng
Tuy nhiên nhiều ý kiến của các ngân hàng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Trước hết, cần xem xét đối tượng vay vốn cụ thể để việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất đúng địa chỉ, đúng khách hàng đang có khó khăn thực sự. Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khách hàng này nhưng mang lại cơ hội cho khách hàng khác, không thể cào bằng việc hỗ trợ. Cần có tiêu chí đánh giá khách hàng, đảm bảo ưu tiên các đối tượng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp có đơn hàng lớn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết, không thể chần chừ, nhưng cần tính toán thực lực nguồn vốn, chính sách tín dụng của từng ngân hàng để triển khai giải pháp cụ thể, trên tinh thần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ thực hiện được triển khai từ nay đến hết năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA chia sẻ: "Hoạt động kinh doanh của ngân hàng là đi vay để cho vay, đã cho vay ra rồi còn phải tính chuyện trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận hằng năm được tích tụ từ nhiều năm trước mới có đủ để đầu tư đổi mới công nghệ, vì thế ngân hàng cũng khó khăn không kém gì doanh nghiệp. Song không vì thế mà ngân hàng đứng ngoài cuộc khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong thời COVID-19 cũng vậy, ngân hàng cũng phải thắt lưng, buộc bụng để đồng hành cùng doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Vì thế, việc phân loại đối tượng hỗ trợ chính xác là việc làm cần thiết, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống".
Đồng thời Tổng Thư ký VNBA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đồng bộ hóa các văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, hoạt động thanh toán, các hướng dẫn về giao dịch bảo đảm, sử dụng dữ liệu điện tử cá nhân. Đồng thời xem xét việc nới lỏng room tín dụng để các ngân hàng, tổ chức tín dụng có kế hoạch ngay từ đầu năm, hạn chế thấp nhất việc xin điều chỉnh hạn mức. Bởi đây cũng chính là điều kiện tiên quyết giúp các ngân hàng tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh tín dụng phục vụ nền kinh tế.