Nắm bắt xu hướng thời đại, vừa qua Trường Đại học Văn Lang chính thức thông báo tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành Thương mại điện tử (theo quyết định số 89/QĐ/VL-HĐT ngày 12/7/2021) với 02 chuyên ngành Kinh doanh trực tuyến (Online Business) và Giải pháp thương mại điện tử (E- Commerce Solution).
Kỷ nguyên công nghệ số lên ngôi với sự phát triển vũ bão của điện thoại thông minh cùng các trang mạng xã hội trên nền tảng Internet đã thay đổi thói quen tìm kiếm và mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng. Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, trong khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế toàn cầu thì tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á với quy mô 7 tỉ USD.
Thương mại điện tử trở thành xu hướng mới của các doanh nghiệp, thị trường bán lẻ và là một trong những nhóm ngành nghề hot nhất hiện nay. Tuy nhiên, đi ngược lại tốc độ phát triển của Thương mại điện tử trong nước, nguồn nhân lực ngành nghề này đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng bởi đa số các ứng viên đều chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Thương mại điện tử - Nghề hot trong kỷ nguyên số nhưng "khát" nhân lực được đào tạo bài bản (ảnh: Internet)
Trên cơ sở nghiên cứu thị trường về nhu cầu doanh nghiệp và nhân lực ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam, năm 2021, Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh ngành Thương mại điện tử khóa đầu tiên (mã ngành: 7340122), chỉ tiêu dự kiến 50 sinh viên. Đối với ngành Thương mại điện tử, sinh viên sẽ được đào tạo theo hai chuyên ngành: Kinh doanh trực tuyến (Online Business) và Giải pháp thương mại điện tử (E- Commerce Solution).
Khoa Thương mại Trường Đại học Văn Lang cho biết sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, mô hình kinh doanh điện tử, cách lập kế hoạch và phát triển chiến lược thương mại điện tử, nghiệp vụ thực hiện giao dịch và thanh toán điện tử, kiến thức về quản trị kinh doanh, đặc biệt là các nghiệp vụ thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với kiến thức chuyên ngành, chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử tăng cường phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và đàm phán, kỹ năng sử dụng tiếng Anh để tăng vị thế trên thị trường lao động.
Chương trình đào tạo thực tiễn, giảng viên có trình độ chuyên môn tốt, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại hiện là một trong những ưu thế của Trường Đại học Văn Lang, giúp đại học này thu hút nhiều sinh viên khối kinh doanh và quản lý trong các năm qua. Ngoài ra, cũng theo đề án mở ngành Thương mại điện tử tại Đại học Văn Lang, sinh viên có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi văn hóa, hợp tác đào tạo sinh viên nước ngoài; chương trình kỹ năng mềm; tham quan trường học, doanh nghiệp thông qua hợp tác của trường với các tổ chức và đối tác quốc tế.
Sinh viên Khoa Thương mại Đại học Văn Lang tham quan kiến tập, trải nghiệm văn hóa tại Malaysia (13/1/2020)
Với những ưu thế trong đào tạo, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc trong doanh nghiệp như: quản trị website bán hàng, kinh doanh trực tuyến, marketing kỹ thuật số, xây dựng – phát triển hệ thống khai thác dữ liệu và chăm sóc khách hàng, xây dựng – quản trị hệ thống giao dịch thương mại điện tử, hoạch định và thực hiện chiến lược kinh doanh thương mại điện tử… hoặc có thể tự khởi nghiệp.
Cùng với tuyển sinh ngành Thương mại điện tử, trong tháng 7/2021, Trường Đại học Văn Lang cũng thông báo mở rộng tuyển sinh các ngành Kinh doanh quốc tế, Truyền thông đa phương tiện, đang thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh.
Trong khối ngành kinh doanh thương mại, hiện nay Trường Đại học Văn Lang đào tạo 4 ngành: Kinh doanh Thương mại, Marketing, Thương mại điện tử, Kinh doanh quốc tế.
Để xét tuyển ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Văn Lang năm 2021, thí sinh có thể đăng ký bằng phương thức xét học bạ THPT và điểm thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.
Xem thêm: mth.33532516141701202-ut-neid-iam-gnouht-toh-hnagn-om-ogn-tab-gnal-nav-coh-iad-gnourt/nv.ertiout