- Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
- Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông
Giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, qua kiểm tra, một số địa phương bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ và đạt được một số kết quả trong kiểm kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng…
Tính đến ngày 30/6, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%.
Đối với công tác chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cả nước có tổng cộng 49 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản. Đáng chú ý, theo ông Tiến, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm ở các nước trong khu vực. Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61,9 tỷ đồng. Năm 2021, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13,679 tỷ đồng…”, ông Tiến thông tin.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu trong năm 2021 giảm thiểu ít nhất 40% số tàu cá vi phạm. |
Ngoài ra, nhiều tỉnh có tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn rất thấp như Thanh Hóa, Quảng Trị , Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng nhiều địa phương tổ chức thực hiện chưa đảm bảo độ tin cậy, còn mang tính chất đối phó như tại các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định:"Phía EC khẳng định không gỡ "thẻ vàng" nếu còn trường hợp vi phạm vì vậy các địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhóm giải pháp, nhất là trong việc kiểm soát tàu cá không để xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác đầy đủ, không thể để tình trạng về bến rồi mới ghi chép.
Như thế là viết hồi ký chứ đâu phải là ghi nhật ký”. Từ thực tế báo cáo của các địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó mục tiêu trong năm 2021 giảm thiểu ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nói không với khai thác IUU
Còn theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. "Việc bà con lấy lý do ngư trường cạn kiệt chỉ là ngụy biện vì thực tế xâm phạm vùng biển nước ngoài còn rủi ro hơn nhiều. Kẽ hở luật để các đối tượng lách luật là mức xử phạt còn thấp, thiếu đồng bộ, thậm chí còn có dấu hiệu môi giới, tiếp tay cho người dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, khởi tố một số vụ điển hình để răn đe". Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nhận xét, VASEP hiện có 62 nhà máy của các hội viên đang xuất khẩu hải sản sang EU. Đây là một thị trường xuất khẩu quan trọng nên lãnh đạo hiệp hội đã thể hiện tinh thần không chỉ khắc phục thẻ vàng, cải thiện nghề cá mà còn hướng đến 1 nghề cá có trách nhiệm, tiên tiến. Khi EU chưa chính thức áp dụng thẻ vàng, VASEP và 62 doanh nghiệp đã cam kết "nói không với khai thác IUU" (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU chiều ngày 13-7. |
Chỉ đạo cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU chiều ngày 13/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống khai thác IUU một cách hiệu quả. Tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn các hoạt động sử dụng phương tiện đánh bắt trái phép, hoạt động sai vùng, tuyến và hoạt động đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp.
Với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định. Kiên quyết không cho bốc dỡ thủy sản đối với các tàu cá có vi phạm. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, đánh dấu tàu cá, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý hoạt động tàu cá.