Hàng hóa không thiếu nhưng kênh phân phối tắc nghẽn
Minh Duy
(KTSG Online) - Trong ngày 14-7, tình trạng người dân đổ dồn mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi - hai kênh bán hàng chủ yếu cho người dân TPHCM trong những ngày giãn cách - lại tiếp diễn khiến nhiều nơi thiếu hàng cục bộ.
Người dân TPHCM xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị ở quận 7, TPHCM. Ảnh: Minh Duy |
Trước tình trạng chen lấn và gom hàng hóa thiết yếu với số lượng lớn của nhiều người dân, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã kêu gọi người dân bình tĩnh để ai cũng mua được thực phẩm.
Saigon Co.op cho biết, hệ thống gần 300 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại TPHCM đã nhập về lượng thực phẩm tăng hơn 30% so với những ngày trước, tập trung ở các mặt hàng như thịt tươi, trứng, rau củ quả.
Cùng với lượng dữ trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát... hệ thống sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định trong hơn 3-6 tháng tới.
Nhiều siêu thị khác, chẳng hạn như Lotte Mart cũng cập nhật thông tin cho biết hàng hóa không những dồi dào mà siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng.
Công ty Vissan cũng liên tục giới thiệu thông tin về các chương trình khuyến mãi trên fanpage...
Thông tin đã rất rõ ràng nhưng điều gì đã khiến người dân bất chấp nguy cơ lây nhiễm để vẫn gom hàng hóa thiết yếu? Thiết nghĩ, cùng với tâm lý lo ngại trước tin đồn phong tỏa thành phố, một trong những nguyên nhân chính là do tắc nghẽn kênh phân phối.
Hiện tại, rất khó để người dân tìm được kênh mua hàng tốt hơn việc đi mua hàng trực tiếp. Những kênh trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại vốn được kỳ vọng sẽ giúp việc mua bán trong giãn cách nhanh hơn, tiện lợi hơn cho người dân và giảm áp lực cho bán hàng trực tiếp hiện không mấy hữu dụng vì quá tải.
Không chỉ sáng 14-7 mà mấy ngày qua, nhiều siêu thị liên tục báo do số lượng đặt hàng trực tuyến quá nhiều nên không thể nhận đơn hàng mới. Có siêu thị như Lotte Mart quận 5 lại chưa thể nhận đặt hàng vì phải giải quyết những đơn hàng trong thời gian đóng cửa vì có ca nhiễm Covid-19...
Giá thực phẩm cũng không hẳn là bình ổn, đặc biệt là hải sản và các loại rau thơm. Chẳng hạn, vào hôm qua, giá hành lá tại một siêu thị ở quận 7 là 10.000 đồng/100 gram, tức 100.000 đồng/kg, mà không đủ hàng cho người mua; giá cá điêu hồng lên đến 110.000 đồng/kg trong khi ngày thường chưa đến 80.000 đồng...
Việc giao hàng cũng chậm đến vài ngày. Nhiều người dù đã kiên nhẫn để đặt được hàng nhưng "chờ dài cổ" vẫn chưa thấy thực phẩm đến nhà...
Hình ảnh tại một cửa hàng tiện lợi ở quận 2 trong sáng nay (14-7). Ảnh: Minh Dũng |
Trong bối cảnh kênh truyền thống, là các chợ, hàng quán phải tạm đóng cửa trong giãn cách thì tình trạng trên đã làm nhiều người đổ đến siêu thị để mua nhiều nhất có thể.
Khi hết thức ăn và các đồ dùng thiết yếu mà việc mua hàng lại khó khăn thì nhu cầu mua để tích trữ tăng cao là điều dễ hiểu.
Thực tế này đòi hỏi thành phố phải khơi thông kênh phân phối. Hôm 13-7, Sở Công Thương TPHCM cho biết sẽ cho phép chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động được bán rau, củ, quả trở lại để giảm tải cho siêu thị.
Đây là giải pháp cần thiết nhưng cần thêm nhiều giải pháp nữa vì các mặt hàng thiết yếu của người dân không chỉ là rau, củ, quả.
Trong đó, có thể tính đến việc cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổ chức các các điểm bán hàng lưu động tại các khu phố, ấp..., tức khu vực mà nơi đó có trụ sở để đáp ứng nhu cầu mua hàng và giảm lượng người đổ về các điểm bán trung tâm.
Với kinh nghiệm tổ chức bán hàng trong dịch cùng sự hỗ trợ của địa phương để sắp xếp người dân giãn cách và thực hiện các yêu cầu phòng dịch, những nhà bán lẻ này có thể thực hiện được kiểu bán hàng trên.
Chính quyền địa phương cũng nên khuyến khích và đồng hành với những chủ hàng lớn, những người có nguồn hàng phong phú và có khả năng bán hàng an toàn trong dịch để bán hàng cho dân.
Thực tế, dù bị cấm trong thời gian giãn cách nhưng nhiều chủ hàng âm thầm bán để phục vụ khách quen. Nếu được địa phương ủng hộ thì người dân sẽ có thêm kênh mua hàng an toàn mà các siêu thị lại bớt quá tải.
Thêm vào đó, cần phải giải quyết nhanh tình trạng tắc nghẽn của kênh trực tuyến và mua qua điện thoại. Nếu thật sự hàng hóa đầy đủ nhưng chỉ vì quá nhiều đơn hàng mà kênh này phải tắc thì cơ quan quản lý nên tính đến việc hỗ trợ nhân lực cho hệ thống bán lẻ giải quyết các đơn hàng.
Trong thời gian giãn cách đặc biệt như hiện nay, việc đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt để người dân có đủ thực phẩm để dùng và an tâm cũng quan trọng như ngăn dịch. Vì thế, cơ quan quản lý cũng có thể điều động nhân lực hỗ trợ cho việc phân phối hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Càng có nhiều giải pháp linh họat, phù hợp với tình hình thực tế thì càng đem đến sự tiện lợi cho người dân và giảm tải cho hệ thống bán lẻ hiện đại trong cao điểm dịch bệnh.
Mời đọc thêm:
Người bị ảnh hưởng Covid-19 làm thủ tục gì để nhận hỗ trợ tiền mặt?
Thay đổi cách xử lý ổ dịch, giảm thời gian cách ly F1 và người nhập cảnh
Xem thêm: lmth.nehgn-cat-iohp-nahp-hnek-gnuhn-ueiht-gnohk-aoh-gnah/773813/nv.semitnogiaseht.www