TPHCM có 27 doanh nghiệp đăng ký phương án '3 tại chỗ'
Lê Anh
(KTSG Online) - TPHCM có 27 doanh nghiệp đăng ký thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất với phương châm “3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Công nhân trong doanh nghiệp may phải ngồi giãn cách trong sản xuất thời dịch bệnh. Ảnh: Trọng Nghĩa |
Theo báo cáo tại cuộc họp về tình hình phòng chống dịch Covid-19 chiều 14-7, TPHCM có 27 doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đăng ký thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất với phương châm “3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) để phòng chống dịch.
Tính đến ngày 14-7 đã có 25 doanh nghiệp với 1.975 lao động đã đưa vào thực hiện phương án 3 tại chỗ.
Sau khi doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án 3 tại chỗ, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) sẽ phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định các điều kiện về phòng, chống dịch.
Từ 8 giờ ngày 15-7, Hepza sẽ phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp về thực hiện các nội dung phòng chống dịch bệnh. Những doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì được phép tiếp tục hoạt động sản xuất.
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh sẽ phải tạm dừng hoạt động bắt đầu từ ngày 15-7.
Trước đó, ngày 13-4, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký ban hành văn bản về việc dừng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 1 trong 2 điều kiện thì mới được tiếp tục hoạt động.
Thứ nhất, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất vừa cách ly người lao động với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Thứ hai, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”, chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Đồng thời, phải tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng phương tiện đưa đón, không để người lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Mời xem thêm:
Doanh nghiệp may ở TPHCM tìm cách thích nghi với giãn cách xã hội
Xem thêm: lmth.ohc-iat-3-na-gnouhp-yk-gnad-peihgn-hnaod-72-oc-mchpt/423813/nv.semitnogiaseht.www