Xe điện- Xu hướng tất yếu
Thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên của xe năng lượng sạch, trong đó xe điện đóng vai trò chính yếu. Năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô châu Âu (ACEA), cứ 5 ô-tô bán ra tại châu Âu hiện nay thì có 1 chiếc là xe thuần điện. Số lượng xe điện đến tay khách hàng trong những tháng gần đây đã tăng gấp hai lần so cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 21% tổng doanh số ô-tô bán ra.
Theo báo Nhân dân, xét ở bình diện châu lục, châu Âu đang là khu vực có tốc độ điện hóa các phương tiện giao thông nhanh nhất trên thế giới, do các quốc gia có chính sách đẩy nhanh phát triển xe sử dụng năng lượng sạch, tác động đến các hãng sản xuất xe trong khu vực.
Hãng xe Jaguar (Vương quốc Anh) đã lên kế hoạch chỉ bán xe điện từ năm 2025, Volvo từ năm 2030 và hãng xe Lotus (Anh) đặt mục tiêu chỉ sản xuất xe điện từ năm 2028.
Theo tính toán của Volkswagen, 70% doanh số của hãng sẽ là xe điện kể từ năm 2030. Trong tương lai gần, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đặt mục tiêu cấm bán ô-tô động cơ đốt trong.
Tại Trung Quốc, từ năm 2009-2022, Chính phủ nước này đã phân bổ 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 29 tỷ USD) vào các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.
Trung Quốc đã ban hành chính sách trợ giá cho người mua xe điện dựa vào dung lượng pin. Xe ô-tô thuần điện có phạm vi chạy hơn 400km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 đến 400 km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá. Với những chính sách đột phá, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới.
Tại khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… đều xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, ưu tiên thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô-tô điện, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và người tiêu dùng đều được thụ hưởng.
Còn ở Việt Nam, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ dành riêng cho xe điện như miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025), giảm thuế tiêu thụ đặc biệt,... Ngoài ra, Chính phủ đã có chủ trương giao các bộ, ngành tiếp tục đề xuất cơ chế, giải pháp hỗ trợ phát triển xe điện.
Tiềm năng lớn của thị trường xe điện tại Việt Nam
Các chuyên gia trong ngành đánh giá, với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn trở thành thị trường xe điện đầy tiềm năng trong tương lai gần.
Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung, nước ta hiện có 5 triệu ô-tô, tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm, điểm đáng lưu ý là số lượng ô-tô điện tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Đến nay, đã có hơn 20 nghìn xe ô-tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Ngoài 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô điện trong nước là VinFast và Công ty cổ phần ô-tô TMT, một số doanh nghiệp cũng giới thiệu một số mẫu xe ô-tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cả nước cũng có 72 triệu xe máy đã đăng ký với tốc độ tăng trưởng 9,3%/năm; riêng xe máy điện có khoảng 2 triệu chiếc đã đăng ký (chiếm 2,7%). Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là hệ thống của VinFast đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu,... với hơn 150 nghìn cổng sạc cho xe máy điện và ô-tô điện. Trong khi đó, Công ty Evida cũng đang cung cấp thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện Eboost dự kiến phủ khắp toàn quốc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công trạm sạc nhanh cho ô-tô điện.
Loại hình taxi điện cũng đã xuất hiện, đến tháng 7/2023 vừa qua có khoảng 2.700 taxi điện đang hoạt động. Đây được coi là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp taxi trên cả nước tích cực tham gia triển khai lộ trình chuyển đổi sang phương tiện điện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Mạnh Tân - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà - cho rằng thị trường xe điện ở Việt Nam có tiềm năng lớn. Đây là "miếng bánh" chưa khai thác hết. Sơn Hà là doanh nghiệp chuyên sản xuất bồn nước nhưng lấn sân sang lĩnh vực sản xuất xe máy điện, cho thấy thị trường còn dư địa để đầu tư, khai thác. Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp ô tô, xe máy chủ yếu nước ngoài đầu tư khai thác ở Việt Nam. Ông Tân cho rằng ở giai đoạn chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, doanh nghiệp cần nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy làn sóng xe xanh ở Việt Nam tăng tốc.
Cần các chính sách đột phá hơn nữa
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành thêm chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Theo báo Nhân dân, ông Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu và có các chính sách đột phá, tương ứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để có chính sách riêng, ưu đãi về thuế đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, lắp ráp xe điện... đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng xe điện của khu vực và thế giới; đồng thời, sớm có lộ trình chuyển đổi các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng tăng tại Việt Nam, bắt kịp xu thế của khu vực và trên thế giới.
Những chính sách ưu đãi về xe điện khi ban hành sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 lần thứ 26 (COP26).
Theo đó, đến năm 2050, Việt Nam đạt tỷ lệ phát thải ròng bằng 0. Đây là cam kết đồng thời cũng là mục tiêu để Việt Nam cải thiện môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện giao thông”, ông Thắng nhận định.
Hiện nay, để hỗ trợ cho xe điện phát triển, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tuy nhiên, so các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn cần có thêm các chính sách đột phá hơn nữa dành cho xe năng lượng sạch, nhất là xe điện.
Chưa kể, tại Việt Nam, việc phát triển xe điện vẫn còn nhiều thách thức như thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; giá thành phương tiện cao; thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh còn yếu,…
Các chuyên gia về ô-tô đánh giá, nếu Việt Nam có chính sách ưu đãi kịp thời và đồng bộ, thu hút nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư sản xuất xe điện, pin xe điện tại Việt Nam, việc xuất khẩu xe ô-tô điện sang các nước trong khu vực và trên thế giới là rất khả thi vì pin xe điện chiếm khoảng 33%-35% giá trị của xe. Ngoài ra, còn có thêm các giá trị về sản xuất (hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra xuất xưởng...) chiếm gần 8% trong tỷ trọng khối sản xuất, lắp ráp xe. Tổng cộng hai tiêu chí này, cùng những chính sách đủ mạnh để thu hút nhà sản xuất xe điện và pin xe điện của các tập đoàn sản xuất xe điện lớn trên thế giới đã đầu tư tại Việt Nam thì việc xuất khẩu xe điện trong 3-5 năm tới rất khả thi.
Nhận định như vậy bởi khi đó pin xe điện, xe điện đã được sản xuất ở trong nước, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam sẽ đạt hơn 40% giá trị của xe, thỏa mãn tiêu chuẩn xuất khẩu xe điện được hưởng thuế suất 0% vào các nước ASEAN - khu vực có khoảng 600 triệu dân. Nếu các bộ, ngành chậm trễ trong việc ban hành chính sách để hỗ trợ, phát triển ngành xe điện, pin xe điện sẽ có ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn ô-tô điện lớn như Tesla, BYD, SGMW,… và các tập đoàn của châu Âu muốn đầu tư vào Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển ngành xe điện trong nước trong tương lai.
Qua khảo sát nhiều nước như Đức, Hàn Quốc và Thái Lan, ông Wilmar Martinez, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đến từ Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) đã khuyến nghị nhiều vấn đề chính sách cho Việt Nam.
Theo đó, tại Đức, hiện có khoảng 90.000 trạm sạc, Thái Lan có khoảng 1.600 trạm sạc (khoảng 4.500 cổng), Hàn Quốc có khoảng 200.000 cổng sạc, Các nước này đều chọn chuẩn sạc châu Âu (CSS), riêng Đức và Thái Lan chọn thêm chuẩn CHAdeMO (Nhật Bản) cho sạc một chiều.
“Ở Đức, công ty tư nhân vận hành theo mô hình riêng, công ty nhà nước tuân thủ theo giá điện. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ lớn nhất cho trạm sạc, còn tại Thái Lan áp dụng mô hình như Tesla, cung cấp sạc miễn phí khi mở cửa thị trường. Các nước này đều đã ban hành quy chuẩn về số lượng bộ sạc trên mỗi 100km đường, số lượng bộ sạc nhanh, quy định kiểu đầu nối sạc và các nước này đều ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cụ thể”.
Vị chuyên gia này đã nêu các vấn đề trọng tâm: trước tiên, Việt Nam sớm chọn cho mình một chuẩn sạc, có thể là CCS (châu Âu) và GB/T (Trung Quốc); Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ các công ty sản xuất xe điện, đơn vị cung ứng trạm sạc và người dân; ưu tiên hạ tầng sạc trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao; không khuyến khích xe động cơ đốt trong bằng cách tăng thuế tăng thuế diesel và xăng, cuối cùng là đầu tư hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu mở mang trạm sạc.
Đối với lĩnh vực xe điện trên thế giới, hiện nay, tất cả các quốc gia đều chung một điểm xuất phát. Nếu chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của Việt Nam ban hành chậm, không đủ mạnh, tỷ lệ nhập siêu trong ngành ô-tô sẽ tăng cao, có thể gây thất thu ngân sách lớn trong thời gian tới. Nếu kịp thời ban hành chính sách đủ mạnh và đồng bộ để thu hút đầu tư cho xe điện và pin xe điện, sẽ kéo theo nhiều ngành công nghiệp khác cũng phát triển như công nghiệp hóa chất, công nghiệp điện-điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp nhựa, công nghiệp khai khoáng,…
Để không bị lỡ thời cơ, bị “bỏ lại phía sau” trong ngành công nghiệp ô-tô điện với nhiều “cơ hội vàng”, các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý tại Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi như bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô-tô điện chạy pin, sản xuất lắp ráp pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước. Bên cạnh đó, sớm đánh giá lại việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó ban hành nghị quyết, chính sách cụ thể rõ ràng để các bộ, ngành, đơn vị có cơ sở thực hiện.
Các chuyên gia giao thông nhận định thời điểm hiện tại, Việt Nam có nhiều cơ hội để nắm bắt thời cơ phát triển ngành công nghiệp ô-tô, đề xuất cơ quan quản lý cần sớm có chính sách thúc đẩy, bởi để chậm chân, nước ta sẽ có nguy cơ đi chậm 1 bước, bị bỏ lại phía sau trong phát triển xe năng lượng xanh.
Dự kiến, đến năm 2030, nước ta cần khoảng 1 triệu xe/năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu không đầu tư phát triển ngành xe điện, khi đó Việt Nam sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 9-10 tỷ USD để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng.
Minh Hoa (t/h)