Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay thế nào? Cẩn trọng điều gì?
"Hoa mắt, chóng mặt, cổ họng rát khan"
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong ngày 23-4, thời tiết nắng nóng vẫn bao trùm các vùng miền cả nước. Riêng TP.HCM với nhiệt độ thực ngày 23-4 cao nhất là 36 độ C, nhưng nhiều người cảm nhận nhiệt độ giữa trưa lên đến 40 độ C.
Với tính chất công việc hay di chuyển ngoài đường, ông Thiện (42 tuổi, TP.HCM) cho hay thời tiết tại TP.HCM những ngày qua quá nóng, oi bức, khó chịu nhất từ Tết đến nay. Dù ông đã chủ động mang theo một bình nước lớn khi đi làm nhưng vẫn không đủ cấp cho cơ thể.
"Đi nhiều ngoài đường tôi thấy hoa mắt, chóng mặt luôn. Người bức bối rất khó chịu, mồ hôi tuôn ra ướt hết cả áo. Lúc lái xe đường xa rồi không kịp uống nước thì cổ họng rát khan" - ông Thiện cho biết.
Nắng nóng khó chịu những ngày qua khiến bệnh viêm xoang mạn tính của chị N. (32 tuổi, TP.HCM) tái phát với các biểu hiện đau đầu, thường xuyên chảy nước mũi, hắt hơi, đau nhức vùng xoang... "Tôi cứ ngỡ khi thời tiết mưa lạnh mới làm bệnh dễ tái phát, nhưng nắng nóng quá cũng bị", chị N. chia sẻ.
Trẻ nhỏ là nhóm đặc biệt dễ bị tác động bởi thời tiết oi bức như hiện nay. Nhiều trẻ phải nhập viện điều trị vì mắc các bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa mà "thủ phạm gián tiếp" là thời tiết nắng nóng.
Hàng loạt trẻ nhập viện
Bác sĩ Đoàn Thị Thanh Hồng - khoa hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết những ngày qua khoa có tiếp nhận các trẻ nhập viện điều trị do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, chủ yếu là trẻ bị viêm phổi, hen suyễn, viêm dạ dày ruột...
Riêng tại các phòng khám (khám ngoại trú), bệnh viện ghi nhận trẻ mắc các bệnh đường hô hấp đến khám tăng lên 20%, nguyên nhân xác định là có liên quan đến thời tiết nắng nóng.
"Nhiệt độ thay đổi khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp, không những thế trẻ còn mắc các bệnh lý về da, các bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột do nhiều yếu tố", bác sĩ Hồng nói.
Bác sĩ Phan Thái Sơn - phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho hay với thời tiết nắng nóng như hiện nay, bất cứ ai cũng có nguy cơ bị say nắng. Tình trạng này dễ xảy ra khi chúng ta ở môi trường nắng gắt khoảng hơn một tiếng đồng hồ với nhiệt độ cao trên 40 độ C.
Đặc biệt, công nhân làm ở công trường, những người làm nông nghiệp bắt buộc phải tiếp xúc thời gian dài dưới ánh nắng thì càng nguy hiểm hơn. Hoặc khi làm việc tại những nơi có độ cao như leo thang, xây dựng cao ốc công trình, say nắng sẽ làm đầu choáng và ngã rất nguy hiểm.
Không chủ quan, uống đủ nước
Các bác sĩ cảnh báo thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, dễ dẫ//n đến rối loạn chuyển hóa, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt. Tuy nhiên vẫn có nhiều người chủ quan, hay cố gắng lao động ngoài trời gây nguy hiểm sức khỏe.
Bác sĩ Thái Sơn cho biết thêm, các biểu hiện của say nắng có thể từ trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, da mặt đỏ, đến rối loạn tri giác, khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim tăng lên và có thể hôn mê. Biểu hiện muộn được phát hiện tại bệnh viện như suy thận, hủy cơ, tiêu gân, ảnh hưởng đến não, tim và có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Riêng ở trẻ em, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo khi trẻ hoạt động, vui chơi liên tục trong môi trường nhiệt độ cao có thể dẫn đến sốc nhiệt. Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng vì nhiệt độ cơ thể tăng quá cao, trên 40 độ C. Sốc nhiệt có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể, là tình trạng cấp cứu.
Để phòng chống say nắng, bác sĩ Thái Sơn khuyến cáo người dân cần uống đầy đủ nước, nên mặc đồ rộng sáng màu, hạn chế làm việc ngoài trời vào khung giờ 11h-14h. Khi ra ngoài trời nắng nên trang bị đầy đủ các loại mũ nón rộng vành, khẩu trang, kính, quần áo và mũ bảo hộ lao động...
Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Thường xuyên nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát sau khoảng một tiếng đồng hồ làm việc.
Miền Bắc nắng nóng, chú ý khi lao động ngoài trời
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chi - phụ trách Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao người lao động làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường cần cẩn trọng.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ kéo dài sắp tới nhiều gia đình có dự định đi du lịch cũng cần cẩn trọng tránh nóng cho trẻ.
Khi trẻ có những biểu hiện như cực kỳ khát nước, nhiều giờ không tiểu, thở nhanh, dốc, sốt, đau đầu... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
DƯƠNG LIỄU
Cách sơ cứu người bị say nắng
Khi phát hiện người bị say nắng, bác sĩ Phan Thái Sơn hướng dẫn cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi mát mẻ, thoáng khí.
Sau đó cởi bỏ quần áo và sử dụng khăn ướt đắp vào cổ, nách, bẹn, đồng thời cho bệnh nhân uống nước, nhất là những loại nước có điện giải.
Nếu nạn nhân hôn mê, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân.
Các nhà khí tượng học nhận thấy sự tăng nhiệt độ và nắng nóng chưa từng có ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Trung Quốc...
Xem thêm: mth.74301150232403202-pah-mah-gnon-gnan-iv-hneb-od-iougn-ueihn/nv.ertiout