Cán bộ, giáo viên tiêm ngừa COVID-19 trong đợt TP.HCM triển khai tiêm chủng đại trà vào tháng 6-2021 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những chuyện tréo ngoe xảy đến khi chúng tôi tiếp xúc với ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên smartphone và Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia (tiemchungcovid19.gov.vn).
Ai đã đăng ký bằng số CMND của tôi?
Phấn khởi khi nghe tin mọi người dân đều có thể đăng ký để được tiêm vắc xin phòng COVID-19, chị tôi liền truy cập ngay để mong đăng ký sớm nhất. Thế nhưng hệ thống liên tục báo số chứng minh nhân dân (CMND) của chị đã được sử dụng.
Chị lần đầu đăng ký nhưng không hiểu sao hệ thống lại báo như vậy. Chị làm đi làm lại nhiều lần, chờ hôm sau truy cập vào đăng ký nhưng kết quả vẫn không thay đổi.
Theo lời khuyên từ những người bạn, chị thử sang bước tra cứu để xem thông tin của mình có bị ghi nhận sai gì không thì lại nhận được kết quả "không tìm thấy thông tin của bạn" (!?). Chị bắt đầu hoang mang về việc ai đó đã dùng số CMND của chị đăng ký và được hệ thống ghi nhận. Sau này họ có được tiêm hay không, hay do một người sai mà hai người không được tiêm?
Nhiều người đã tiêm vắc xin mũi 1 từ cuối tháng 6-2021, nhưng nay lên hệ thống không tra cứu được kết quả đã tiêm. Trong khi đó, không ít người chưa tiêm nhưng hệ thống xác nhận đã tiêm mũi 1 với cả thông tin loại vắc xin luôn (?!).
Nhiều trường hợp đăng ký thành công nhưng kiểm tra lại thì thấy chưa đăng ký. Nhiều trục trặc xảy ra khi hệ thống không gửi mã xác thực OTP về điện thoại, liên tục báo lỗi hoặc ứng dụng treo trong khi mã OTP liên tục gửi về điện thoại...
Bao giờ có thông tin đáng tin cậy?
Theo tìm hiểu, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên smartphone và Cổng thông tin tiêm chủng là hai hệ thống thuộc nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ tiêm chủng quốc gia do Tập đoàn Viettel phát triển theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông.
Bên cạnh 2 hệ thống trên, nền tảng còn có hệ thống cơ sở dữ liệu (được quản lý tập trung) và trung tâm đáp ứng.
Theo lời giới thiệu từ đơn vị phát triển - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS), nền tảng đi vào vận hành, toàn bộ quy trình từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Với ngành y tế, nền tảng này đảm bảo hai mục tiêu vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhưng vẫn hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành... để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.
Có thể thấy nền tảng nêu trên đóng vai trò như một "xương sống" cho hệ thống tiêm chủng quốc gia trong tương lai, kết nối và cung cấp thông tin từ người dân, ngành y tế, Chính phủ, dữ liệu...
Hệ thống còn nhắm đến khả năng cung cấp "hộ chiếu vắc xin điện tử" cho người Việt Nam trong tương lai. Một nền tảng dữ liệu khổng lồ chứa đựng rất nhiều thông tin về tình hình sức khỏe y tế của nhân dân Việt Nam.
Nền tảng với "trách nhiệm" rất lớn nhưng lại phải chạy đua xây dựng trong một thời gian ngắn nên những trục trặc xảy ra trong thời gian đầu vận hành là điều khó tránh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, từng chi tiết lỗi nhỏ của hệ thống cũng liên quan đến sức khỏe của người dân.
Chúng tôi mong đơn vị thiết kế và vận hành cũng như cơ quan chức năng nhanh chóng phản hồi những thắc mắc, giải thích những trục trặc đang xảy ra... thay vì im lặng như những ngày qua.
Người dân cũng muốn biết mọi thông tin về quy trình xử lý thông tin trước, trong và sau khi đăng ký một cách rõ ràng để ai cũng có thể hiểu biết, thông cảm, chia sẻ và đồng hành.
Kỳ vọng nhiều hơn thế nữa
Việc cho đăng ký tiêm vắc xin qua ứng dụng di động hay website giúp công tác tiêm chủng trên diện rộng được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều, giảm được khối lượng công việc quản lý, đồng thời lại dễ lan tỏa đến đông đảo nhân dân.
Người dân sẽ còn đặt ra nhiều kỳ vọng đối với dịch vụ này, chẳng hạn mức độ chi tiết của một lần đăng ký (thời gian, địa điểm dự kiến, những chuẩn bị cần thiết khi tiêm...), thậm chí cả loại vắc xin mà họ dự kiến sẽ được tiêm, cũng như khả năng dị ứng với thành phần của vắc xin.
Lúc đó, người dân sẽ an tâm hơn khi xác nhận "đồng ý tiêm" vắc xin. Việc cung cấp thông tin và tuyên truyền liên tục để người dân hiểu rõ hơn về vắc xin, chính sách của Nhà nước về tiêm vắc xin... cũng là một nội dung mà ứng dụng công nghệ có thể làm rất tốt và hiệu quả. Chẳng hạn Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 có thể có một tổng đài hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của người dân để họ dễ dàng nắm bắt thông tin và cùng chung tay phòng dịch.
Vũ Thanh Long (tổng giám đốc ứng dụng chăm sóc sức khỏe và y tế eDoctor)
TTO - Nhìn nhận về tác động từ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư tại Việt Nam hiện nay, lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kêu gọi đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin.
Xem thêm: mth.74122332241701202-gnuhc-meit-ueil-ud-aoh-nauhc-mos-nac/nv.ertiout