Hôm 13-7, Phó Bí thư Thành ủy Thường trực Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có ba kịch bản sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 về chống dịch. Đáng chú ý, TP đã tính đến phương án mạnh nhất để ứng phó nếu tình hình dịch vẫn “leo thang”, chưa thể khống chế, kiểm soát được…
Trong cùng ngày, Bộ Y tế đồng ý việc thí điểm cách ly F0 tại TP.HCM, đồng thời Sở Y tế TP.HCM cũng có hướng dẫn việc thí điểm này.
Hai sự kiện diễn ra trong một buổi chiều, chuyển tải đi thông điệp từ các “trụ cột” chống dịch của TP. Thứ nhất, chính quyền TP phải có các quyết sách phù hợp nhất để điều chỉnh chiến lược chống dịch trong tình hình mới. Thứ hai, hệ thống y tế phải điều chỉnh mô hình hoạt động một cách quyết liệt trong bối cảnh áp lực từ số ca nhiễm ngày càng gia tăng đáng kể.
Rất nhiều chuyến đi thực tế, giám sát cùng với vô số chỉ đạo từ lãnh đạo chính quyền TP được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn y tế và an toàn sinh kế của người dân. Việc thực thi các chính sách giao thông, hành chính, giám sát dịch tễ… được triển khai đến từng quận, huyện, phường…, thậm chí từng hẻm trên khắp địa bàn TP. Tất cả cho thấy sự vào cuộc chưa từng có của cả hệ thống chính trị. Tất cả vì một đích đến: Phải dập dịch tốt nhất, hiệu quả nhất để trả lại đời sống bình thường (mới) cho người dân.
Các chính sách được xây dựng dựa vào khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của người dân và đặc biệt là của giới chuyên gia đa ngành như trên chính là “chân kiềng số 1” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay (và dài hạn).
Trong khi đó, những con số về ca F1, F0, các bệnh nhân trở nặng… cho thấy đội ngũ y tế TP đang đối diện với áp lực chưa từng có. Tiếp cận với các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện chữa bệnh nhân COVID-19 trở nặng… sẽ thấy rõ quyết tâm của hệ thống y tế TP cao đến mức nào. Môi trường nguy hiểm, khắc nghiệt; làm việc quên giờ giấc; thậm chí có những nhân viên y tế kiệt sức hoặc nhiễm bệnh. Sự hy sinh này không chỉ vì ngăn cản kịch bản vỡ trận y tế mà trên hết bởi vì “sinh mạng con người là trên hết”. Quyết tâm và nỗ lực của ngành y tế chính là “chân kiềng số 2” trong cuộc chiến cam go này.
Còn “chân kiềng số 3” chính là sự đồng thuận từ người dân. Trước thời gian áp dụng Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tha thiết kêu gọi: “TP đang ở một giai đoạn rất khó khăn, đòi hỏi sự chung tay từ phía người dân để chống dịch”. Một bác sĩ ở tuyến đầu hồi tuần trước cảm thán trên báo chí: “Số ca nhiễm tăng rất nhanh, chúng tôi vẫn đang chống đỡ được. Nhưng nếu tình hình cứ mãi như vầy, e rằng chúng tôi… sẽ gục”.
Hai lời chia sẻ này cùng chung một thông điệp: Nếu người dân san sẻ, TP sẽ không vào thế lâm nguy. Ai ở đâu hãy ở yên đấy, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết; tuân thủ 5K; tạm gác lại những nhu cầu không thiết yếu… là những gì người dân có thể đóng góp.
Không một chính sách hay mệnh lệnh hành chính nào hoàn hảo. Trong khi sức chịu đựng của hệ thống y tế là hữu hạn. TP có thể khống chế dịch bệnh sớm khi và chỉ khi cùng phát huy “chân kiềng số 3”: Mỗi người dân thay đổi chút thói quen, hy sinh chút lợi ích cá nhân để cùng chống dịch.