Thời gian gần đây, nhiều vụ tống tiền bằng clip “nóng” liên tiếp xảy ra khiến dư luận bức xúc, người trong cuộc dằn vặt, đau khổ.
Trước quay clip “nóng”, sau tống tiền
Khoảng giữa tháng 6, Công an huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với LCH (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc) để điều tra về hành vi quay lén clip nhạy cảm của hai nữ giáo viên trong trường nhằm mục đích tống tiền.
Bước đầu, H. khai nhận lắp đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh chung của trường. Sau khi có được những clip nhạy cảm của hai cô giáo, H. lập Facebook ảo rồi gửi tin nhắn yêu cầu mỗi người đưa cho mình 10 triệu đồng, nếu không sẽ tung clip lên mạng.
Thời gian gần đây, nhiều vụ tống tiền bằng clip “nóng” liên tiếp xảy ra
khiến dư luận bức xúc. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Theo kết quả xác minh ban đầu, Tường và chị NTT (48 tuổi, ngụ Phù Cát) có quan hệ tình cảm. Chị T. hay gửi những clip “nóng” của mình qua Zalo cho Tường. Sau đó, Tường liên tục tống tiền bạn gái của mình bằng cách yêu cầu chị T. chuyển tiền qua tài khoản cũng như đưa trực tiếp. Tường dọa nếu chị T. không chuyển tiền thì sẽ tung các clip lên mạng.
Ngày 26-6, khi chị T. đem 3 triệu đồng đến một nhà nghỉ thuộc địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định) đưa cho Tường thì công an ập vào bắt quả tang.
Gần đây nhất, đầu tháng 7, Công an huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hữu Dũng (38 tuổi) về tội cưỡng đoạt tài sản vì có hành vi tống tiền bạn gái của mình. Bước đầu, cơ quan công an cho biết trong thời gian yêu nhau, Dũng và bạn gái có quay lại những cảnh ân ái giữa hai người. Đầu tháng 6, Dũng dọa bạn gái đưa cho mình 8 triệu đồng, nếu không sẽ tung các clip này lên mạng.
Dũng đang nhận tiền từ cô gái thì bị lực lượng Công an huyện Hải Lăng bắt quả tang. Được biết Dũng hiện là giáo viên của một trường THPT cũng thuộc huyện Hải Lăng.
Ngoài ra, một số vụ lộ clip “nóng” gây xôn xao dư luận cũng xảy ra thời gian gần đây. Cụ thể như vụ việc một nữ diễn viên từng đóng phim truyền hình bị lộ clip “nóng” dài 8 phút với bạn trai hồi cuối tháng 5. Trước đó, nhiều vụ lộ clip nhạy cảm được cho là của một số ca sĩ, diễn viên cũng đã xảy ra.
Đừng để mình là nhân vật chính trước khi thành nạn nhân Có nhiều nguyên nhân để một clip “nóng” bị phát tán lên mạng xã hội (MXH). Đó có thể là hành vi cố ý của người đang lưu giữ clip đó và thông thường sẽ là các bạn nam. Khi mối quan hệ tình cảm không còn, với những lý do khác nhau như trả thù, làm nhục, tống tiền…, những bạn nam (cũng chính là một trong hai nhân vật trong clip “nóng”) sẽ tung clip đó lên mạng để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, các clip đó cũng có thể bị lộ bởi dữ liệu cá nhân bị đánh cắp như bị giật điện thoại, tài khoản MXH bị hack, camera an ninh bị thu thập dữ liệu trái phép… Cuối cùng, cũng không loại trừ một số chủ thể mong muốn nổi tiếng bằng việc tạo các scandal clip “nóng” để đạt được các lợi ích vật chất cũng như phi vật chất. Rõ ràng dù thực hiện nhằm mục đích gì thì việc tung, dọa tung các clip “nóng” lên mạng là hành vi cần phải lên án, xử lý nghiêm và loại trừ. Bởi lẽ nó xâm phạm nghiêm trọng đến bí mật cá nhân; ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Khi MXH trở nên phổ biến, bên cạnh những lợi ích, nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng và một trong số đó là lộ bí mật cá nhân. Không cần biết mục đích là gì, khi quay các clip “nóng” thì các chủ thể đã đối mặt với rủi ro bị lộ hình ảnh riêng tư lên MXH. Rủi ro này có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà bản thân các chủ sở hữu clip sẽ không thể kiểm soát cũng như lường trước được hậu quả. Do vậy, để không trở thành nạn nhân của việc lộ clip “nóng” thì cách tốt nhất là chúng ta nên nói không với hành vi chụp, quay, lưu giữ những hình ảnh nhạy cảm, đặc biệt là các bạn nữ, bởi thông thường các bạn nữ sẽ là nạn nhân của chính các hành vi đó. TS BÙI THỊ HẰNG NGA, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM |
Có thể xử hình sự về nhiều tội
ThS-luật sư Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, cho biết quyền nhân thân là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật thừa nhận, bảo vệ bằng những quy phạm chặt chẽ và có chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm. Đó là trách nhiệm dân sự, chế tài hành chính và hình sự.
Về dân sự, Điều 38 BLDS 2015 khẳng định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án buộc bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và các yêu cầu khác.
Về hành chính, hành vi lợi dụng mạng xã hội (MXH) để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020).
Tùy từng hành vi, mục đích và khách thể bị xâm phạm, hành vi đăng tải, truyền đưa thông tin, hình ảnh của người khác trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS, khung hình phạt đến năm năm tù), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS, khung hình phạt đến 20 năm tù), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS, khung hình phạt đến bảy năm tù), tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326 BLHS, khung hình phạt đến 15 năm tù)…
Khó thu hồi toàn bộ clip đã bị phát tán Tội phạm có thể bị xử lý nhưng việc thu hồi toàn bộ hình ảnh, clip nhạy cảm gần như không thể. Do đó, để bảo vệ bí mật cá nhân, tự bản thân mỗi người phải giữ gìn, bảo quản, bảo mật thiết bị di động, máy tính, nâng cao ý thức cảnh giác và tự bảo vệ mình trước khi buộc phải yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan chủ quản trang MXH, cơ quan quản lý nhà nước về MXH cần phải thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, kịp thời ngăn chặn việc truyền đưa thông tin, hình ảnh có thể xâm phạm đến bí mật, quyền lợi của người khác. Mỗi công dân tham gia vào mạng máy tính, MXH cần thể hiện văn hóa trên không gian mạng, tôn trọng đối với hình ảnh cá nhân của người khác, không tò mò, truyền đưa, đánh giá, xúc phạm người khác nếu có được thông tin bí mật cá nhân của một ai đó. ThS-luật sư CAO NGỌC SƠN, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang |