Thảm họa thiên nhiên hay các cuộc khủng hoảng vốn chẳng xa lạ gì với người dân Nhật Bản, từ những vụ động đất, sóng thần, ô nhiễm phóng xạ cho đến dịch bệnh. Thế nhưng sự tin cậy vào hệ thống xã hội nói chung và đặc biệt là tin tưởng lẫn nhau đã giúp người Nhật có sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh vượt qua tất cả.
Đối với những người nước ngoài, hình ảnh người Nhật không tranh giành nhau dù mất đi người thân, nhà cửa là một điều đáng nể. Dù thiên tai tàn phá như người Nhật vẫn xếp hàng cứu tế, các cửa hàng không tăng giá còn doanh nghiệp dù thiệt hại vẫn quyên góp hay giúp đỡ người vùng bị nạn.
Theo các chuyên gia, chính nền tảng giáo dục ý thức cho người dân từ nhỏ đã giúp xã hội Nhật Bản hiểu được tầm quan trọng của đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua thiên tai, khủng hoảng. Từ đó, tư tưởng hy sinh lợi ích cá nhân để đạt lợi ích cho tập thể và cộng đồng đã ngấm sâu và từng người dân xứ sở mặt trời mọc.
Thậm chí không riêng gì cá nhân, các doanh nghiệp cũng có quan điểm rất rõ ràng khi phải sống chung với thiên tai và khủng hoảng. Giáo sư Hirotaka Takeuchi của trường đại học Harvard đã có bài phân tích về các doanh nghiệp Nhật Bản khi họ sẵn sàng hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho cộng đồng và đạt được mục tiêu dài hơi.
Những lãnh đạo có tầm nhìn
Doanh nghiệp thường đặt lợi ích lên hàng đầu, nhưng những công ty Nhật Bản lại có tầm nhìn rất xa khi không trục lợi từ người dân những lúc khó khăn bởi họ hiểu rằng hình ảnh của công ty đáng giá hơn rất nhiều những khoản lợi đó.
Bạn có nghĩ rằng một khi bị người dân ghét bỏ, khi hình ảnh của doanh nghiệp bị gắn với từ "trục lợi", "vô nhân tính", "không có đạo đức" thì có thể gột rửa được dễ dàng không? Liệu những khoản lợi nhuận ngắn hạn có bù đắp được cho điều đó không? Liệu việc hy sinh doanh thu để tạo nên uy tín trong người dân có đáng không?
"Rất nhiều công ty Nhật Bản không quen với phong cách chỉ nhắm đến lợi nhuận bất chấp, hy sinh mọi thứ vì cổ đông ở Phố Wall. Họ thường nghĩ đến tăng trưởng ổn định dài hạn, tạo nên những thay đổi tốt cho xã hội và người dân để rồi quay lại thúc đẩy lợi nhuận cho chính doanh nghiệp... Những lãnh đạo có tầm nhìn là người biết đoàn kết mọi người lại để cùng hành động và chiến thắng", giáo sư Takeuchi nhấn mạnh.
Sự giáo dục về tính đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau tại Nhật Bản khiến các doanh nghiệp coi trọng lợi ích cộng đồng và hình ảnh của công ty hơn nhiều so với doanh thu. Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tồn tại lâu vì nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng.
Dù thiên tai và khó khăn, người dân vẫn xếp hàng, nhường nhịn lẫn nhau.
Trên thực tế, Nhật Bản có thể tự hào về số doanh nghiệp tồn tại lâu năm trên thị trường. Khoảng 40% số doanh nghiệp tại quốc gia này đã tồn tại hơn 300 năm lịch sử, qua đó cho thấy tầm nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp về lợi ích cộng đồng.
"Rất nhiều công ty hiện nay chỉ nghĩ ngắn hạn vì lợi ích của cổ đông, các kế hoạch của họ chỉ trong vòng 5 năm. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có tầm nhìn đến 100-200 năm sau", giáo sư Takeuchi cho biết.
Nước mắt của vị CEO
CEO Takeshi Niinami chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson tại Nhật Bản là một người có tầm nhìn xa như giáo sư Takeuchi từng nói. Chỉ vài phút trước khi sóng thần đổ bộ bờ biển Tohoku vào năm 2011 khiến 16.000 người thiệt mạng và 383.000 tòa nhà bị phá hủy, vị CEO này đã ra lệnh cho nhân viên tập trung vận chuyển lương thực đến vùng bị thiên tai trong vòng 7 ngày và phát miễn phí.
Trong suốt giai đoạn khó khăn nhất của đợt sóng thần 2011, Lawson Nhật Bản đã đưa 200.000 suất ăn đến cho những người bị nạn. Không dừng lại ở đó, công ty còn chăm sóc 13 nhân viên trong vùng bị thiên tai, bản thân CEO Niinami theo dõi sát sao việc bố trí chỗ ăn ở cũng như đảm bảo những người nay không phải lo về tài chính.
Mặc dù thủ đô Tokyo mới là thị trường lớn nhất của Lawson Nhật Bản nhưng CEO Niinami lại quyết định dồn hàng cho các siêu thị vùng thiên tai. Vị lãnh đạo này hiểu rằng không có nhiều xe tải muốn đi vào vùng dịch chuyển hàng và việc tiếp tục mở cửa các siêu thị Lawson tại đây sẽ giúp tạo nên hy vọng cho người dân hơn.
Bên cạnh đó, CEO Niinami cũng đề nghị giám đốc khu vực Etsuko Kato mở lại chi nhánh Lawson tại Soma, nơi chịu tác động trực tiếp của sóng thần, một cách nhanh nhất. Bản thân nữ giám đốc Etsuko Kato cũng mất nhà cửa trong trận sóng thần và đang phải sống trong trại cứu hộ, mẹ chồng thì bị mất tích còn 2/4 cửa hàng Lawson của cô bị thổi bay.
Bất chấp những khó khăn đó, Kato hiểu được mình cần phải làm gì khi đồng bào gặp khó khăn. Cô cố gắng kết nối nguồn cung ứng và mở cửa trở lại các chi nhánh chỉ 11 ngày sau trận sóng thần. Dần dần, người dân bắt đầu tràn vào các siêu thị của Lawson tại Soma bởi hình ảnh hãng bán lẻ này đã đem lại hy vọng cho họ vào lúc đen tối nhất.
Khi CEO Niinami nhận được bằng tuyên dương của trường tiểu học SomaCity vì Lawson đã phát miễn phí bữa ăn cho các cháu nhỏ trong 3 ngày cho đến lúc đội cứu trợ đến được đây, vị lãnh đạo này đã bật khóc bởi ông chưa hề ra lệnh này mà đó hoàn toàn là ý thức tự giác, quán triệt tư tưởng vì cộng đồng của những nhân viên nơi đây.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị