vĐồng tin tức tài chính 365

Khoan sức dân - điều cần làm

2021-07-15 17:42

Khoan sức dân - điều cần làm

Phan Minh Ngọc

(KTSG) - Liên quan đến kết quả thu ngân sách từ thuế, Tổng cục Thuế mới đây cho biết các sắc thuế chính như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, và đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân đều đạt và vượt tiến độ thu so với dự toán, tăng mạnh so với cùng kỳ. Thông tin trên đến đúng vào thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch, với các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội ngặt nghèo ở nhiều địa phương.

Nhiều người bất ngờ với thực tế thu thuế tăng mạnh nửa đầu năm nay so với năm 2020 được thúc đẩy chủ yếu bởi sự nóng sốt của các thị trường, trong đó có bất động sản. Ảnh: N.K

Người dân và doanh nghiệp đã khó thì nay càng thêm khó bội phần. Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, cho đến nay, khả năng đến được người dân và doanh nghiệp tới đâu thì vẫn còn là ẩn số.

Không thể phủ nhận rằng tin tốt lành của ngành thuế đã và đang tạo ra những phản ứng trái chiều, suy nghĩ tiêu cực trong một bộ phận dân chúng và doanh nghiệp ở cái nghĩa là Nhà nước vẫn quan tâm việc thu thuế của người dân và doanh nghiệp hơn mà ít nỗ lực “tận chi” để giúp những đối tượng cá nhân và tổ chức đang gặp khó khăn muôn trùng trong dịch bệnh.

Từ kết quả tăng thu thuế đến đề xuất giảm thuế trực tiếp, đại trà trên diện rộng lại là vấn đề phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều cân nhắc, suy xét.

Cũng từ đây, đã có nhiều tiếng nói muốn Nhà nước “khoan sức dân” bằng cách miễn, giảm thuế trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, như thuế giá trị gia tăng. Đây được coi là một hình thức hỗ trợ nhanh, thiết thực và dễ thực hiện.

Ngành thuế thì nói rằng sự tăng thu thuế nói trên là bởi đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và các chính sách tài khóa và tiền tệ (nới lỏng) trong năm 2020 mà đối tượng hưởng lợi chủ yếu là một số ngành như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, sản xuất và lắp ráp ô tô...

Với cái nhìn khách quan, người viết cho rằng sự phàn nàn của người dân và doanh nghiệp về các biện pháp hỗ trợ nhỏ giọt, chậm trễ và khó tiếp cận của Nhà nước là thích đáng. Điều này chắc không cần phải chứng minh khi chỉ cần nhìn qua cái sự “ế” của các gói hỗ trợ cho đến nay.

Điều còn thiếu, yếu trong các chính sách hỗ trợ của Việt Nam không phải là loại hình hỗ trợ cụ thể (gồm miễn giảm thuế), mà chính là chuyện thực thi.

Đồng thời, kết quả tăng thu thuế của Nhà nước cũng phần nhiều không phải là do tận thu, mà chủ yếu có được là nhờ “nắm kẻ có tóc”. Bởi rõ ràng là người dân và doanh nghiệp nào khó khăn thì đã không bị tính thuế (ngoại trừ thuế giá trị gia tăng, như nói thêm dưới đây). Còn những đối tượng nộp thuế tăng nhiều nhất chính là từ những ngành “ăn nên làm ra” nhất trong thời gian qua.

Nhưng từ kết quả tăng thu thuế đến đề xuất giảm thuế trực tiếp, đại trà trên diện rộng lại là vấn đề phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều cân nhắc, suy xét.

Trước tiên, xét về sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới về danh mục các biện pháp hỗ trợ thì thậm chí có thể nói các giải pháp hỗ trợ của Việt Nam gần như chẳng thiếu thứ gì, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Cụ thể, trong Nghị quyết 42 của Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo/cận nghèo.

Các chính sách được ban hành mới đây hơn của Chính phủ cũng gia hạn, bổ sung một số biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các chính sách này gồm Nghị quyết 68 (hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp), Nghị quyết 58 (thêm đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù chống dịch), Nghị quyết 55 (giảm giá điện, tiền điện đợt 3), Nghị quyết 48 (thêm đối tượng được hỗ trợ chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19), Nghị quyết 16 (chế độ phụ cấp cho người tham gia chống dịch Covid-19)..., bên cạnh một loạt nghị định, thông tư, quyết định, công văn có liên quan của các bộ và ủy ban nhân dân.

Riêng về thuế, phí, lệ phí, ngoài các chính sách đã ban hành trong năm 2020 về thuế như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế (ví dụ, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tổ chức với doanh thu không quá 200 tỉ đồng năm 2020), Nghị quyết 63 ban hành cuối tháng trước cũng “giao Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất” các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy vậy, như đã nói, kết quả và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ (mới/bổ sung) này là điều cần phải được kiểm chứng. Ngay như gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng mới công bố với các thủ tục đã được rút gọn còn từ 4-14 ngày để chi trả, điều đáng chú ý là việc xin, xét duyệt, trả lời và chi trả dường như vẫn chủ yếu dựa vào giấy tờ thủ công và tiếp xúc trực tiếp, vật lý, thay vì hầu hết được thực hiện trực tuyến và như ở nhiều nước khác. Đành rằng ở Việt Nam thì... phải vậy, nhưng điều này cũng có nghĩa là quy định thời gian rút ngắn như vậy có chăng thì cũng chủ yếu xảy ra... trên giấy!

Do đó, điều còn thiếu, yếu trong các chính sách hỗ trợ của Việt Nam không phải là loại hình hỗ trợ cụ thể (gồm miễn, giảm thuế), mà chính là chuyện thực thi. Chính quyền các địa phương cần làm ngay và tốt việc triển khai hỗ trợ chủ yếu qua trực tuyến, với các chứng từ được đơn giản hóa (và dưới dạng hình chụp) để tạo sự nhanh chóng, thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh phải cách ly, phong tỏa. Việc chi trả, thụ hưởng cũng nên chủ yếu được tiến hành qua chuyển khoản, séc, hoặc một hình thức ủy nhiệm chi nào đó đối với những đối tượng không có tài khoản ngân hàng.

Chuyển sang chuyện miễn, giảm thuế. Không rõ khi thực hiện Nghị quyết 63, Bộ Tài chính có đề xuất miễn, giảm thuế giá trị gia tăng hay không. Nhưng cần lưu ý rằng, trên thế giới, cho đến tháng 4-2020, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có chừng một chục nước là có cắt giảm và/hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng cũng chủ yếu chỉ là cho một số sản phẩm/ngành(1). Tương tự, chỉ có một vài nước được báo cáo là có động thái liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp như hoãn nộp, kéo dài thời gian khai báo thuế, kéo dài thời gian kiểm toán thuế, và (ít hơn nữa là) cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, có thể nói, việc trực tiếp miễn, giảm thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hay doanh nghiệp không nằm trong các hình thức hỗ trợ phổ biến trên thế giới. Nguyên nhân chính là bởi nhu cầu đảm bảo tài khóa bền vững trong bối cảnh thu ngân sách từ thuế sẽ sụt giảm mạnh trong đại dịch do các hoạt động kinh tế bị chững, chậm lại, ảnh hưởng đến khả năng tăng chi ngân sách cho y tế, kinh tế và xã hội trong và sau dịch(2). Ngoài ra, sự bất trắc về cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra - một sự việc chưa có tiền lệ - và ảnh hưởng của nó lên thu ngân sách càng làm tăng sự thận trọng liên quan đến cắt giảm thuế, phí ở nhiều quốc gia.

Ở Việt Nam, chắc hẳn rất nhiều người bất ngờ với thực tế thu thuế tăng mạnh nửa đầu năm nay so với năm 2020 được thúc đẩy chủ yếu bởi sự nóng sốt của các thị trường từ chứng khoán, bất động sản đến ô tô. Nhưng tình hình nửa năm còn lại sẽ tiếp tục xu hướng nửa đầu năm hay không là điều bỏ ngỏ. Ngược lại, điều chắc chắn là nhu cầu chi ngân sách hỗ trợ nền kinh tế nửa năm cuối cũng sẽ tăng mạnh bởi dịch bệnh đã bùng phát mạnh hơn, và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại.

Trong hoàn cảnh này, việc (sẽ) không miễn, giảm (ngay) thuế, gồm thuế giá trị gia tăng, trên diện rộng là điều có thể hiểu được và cần cảm thông, nếu Chính phủ không thể/không muốn thực hiện.

-------------

(1) https://blogs.worldbank.org/developmenttalk/tax-relief-time-crisis-what-countries-are-doing-sustain-business-and-household

(2) https://www.oecd-ilibrary.org/sites/a06bffa0-n/index.html?itemId=/content/component/a06bffa0-en

Xem thêm: lmth.mal-nac-ueid--nad-cus-naohk/892813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khoan sức dân - điều cần làm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools