Chi phí logistics tăng cao cả chục lần đã khiến chi phí hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, cơ hội cạnh tranh giảm sút.
Chi phí logistics tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu khó trăm bề
Theo ông Nguyễn Liêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, cho biết: Các nhà mua hàng đồ gỗ của Lâm Việt chủ yếu đến từ Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ nên khi xuất khẩu, công ty phải gánh thêm chi phí thuê container, cước tàu tăng (do các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu mua theo giá FOB) trong khi giá thuê container sang EU và Mỹ tăng từ 2.000-.3.000 USD lên 8.000-9.000 USD mà giá trị hàng hóa trong container có lúc chỉ hơn 10.000USD.
"Giá thuê container tăng bất thường đội giá thành sản phẩm tăng theo, trong khi đó, việc đặt vấn đề với các nhà nhập khẩu để tăng giá bán là gần như không thể" - ông Nguyễn Liêm cho biết.
Với kinh nghiệm trên 10 năm làm việc trong ngành chế biến rau quả xuất khẩu, ông Phạm Tiến Hoài - Tổng giám đốc Hạnh Nguyên Logistics, cho rằng, chi phí logistics trong ngành nông sản Việt Nam hiện chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này tại Thái Lan chỉ 12,5% và con số bình quân toàn cầu là 14%.
“Chi phí cao đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia” - ông Hoài nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của các thương nhân, cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần. Booking (đặt chỗ) hiện nay rất khó khăn, thậm chí, sau 1 thời gian đôn đáo tìm kiếm, khi tìm được booking rồi thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ: "Tôi được biết, 1 container chở hàng đi Mỹ vào tháng 11.2020 có giá 3.500USD, tháng 3.2021 đã tăng lên 7.500USD, gần đây là trên 12.000USD. Rõ ràng chi phí này đã đội lên rất lớn, ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm nông sản Việt Nam”.
Chi phí logistics tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành hồ tiêu Việt Nam, khiến các đối tác nhập khẩu từ thị trường Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua hồ tiêu của Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam nhưng chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 so với từ Việt Nam; từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10.
Nguy cơ để mất cơ hội
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến thời điểm này sức mua trên thế giới đang phục hồi trở lại mạnh mẽ. Các cảng biển cũng khôi phục lại được năng lực bốc xếp. Tuy nhiên, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển còn duy trì ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Chi phí logistics tăng cao, đến mức người mua không chịu được, sẽ yêu cầu người bán cùng chung chịu, chia sẻ chi phí logistics trong quá trình đàm phán xuất nhập khẩu. Nếu đàm phán không thành công, có thể người mua sẽ dừng mua hàng.
“Điều đó khiến doanh nghiệp Việt Nam hoặc là không bán được hàng, hoặc để bán được hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để có thể chia sẻ với các đối tác. Vì vậy tác động của việc tăng giá cước là rất lớn và về lâu dài cũng có thể tạo ra mặt bằng giá mới. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp nhỏ phải thích nghi và chấp nhận mức giá mới” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam làm việc với các hãng tàu về giá vận tải, đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp nhỏ đang liên kết với doanh nghiệp lớn để "chung chia" container, các doanh nghiệp chưa có lối ra thì đang tạm nằm im chờ cơ hội giá logistics giảm xuống, hoặc chờ cơ hội đàm phán nâng giá bán sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Liêm cho rằng: “Ngay cả việc đàm phán nâng giá sản phẩm cũng không dễ dàng, vì giá bán sản phẩm gỗ tại các siêu thị hoặc cửa hàng ở các thị trường EU và Hoa Kỳ thường bình ổn trong khoảng từ 5-10 năm, và hiếm khi có xu hướng tăng giá. Nếu giá bán sản phẩm bị nâng lên thì không có cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt Nam vào các cửa hàng hoặc chuỗi siêu thị nội thất tại các thị trường này”.
Xem thêm: odl.696039-ohk-pag-man-teiv-uahk-taux-gnah-oac-gnat-scitsigol-ihp-ihc/et-hnik/nv.gnodoal