Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Sri Lanka ngày 15-7 - Ảnh: AFP
Trong tuyên bố ngày 15-7, giữa lúc nhiều nước đang đối phó với sự bùng phát của các biến thể như Delta, ủy ban của WHO cho rằng "đại dịch chưa gần đến hồi kết".
Ông Didier Houssin, chủ tịch ủy ban nói trên, cho biết "các xu hướng gần đây rất đáng lo ngại". Một năm rưỡi sau khi WHO lần đầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất, "chúng ta vẫn đuổi theo loại virus này và virus cũng đang đuổi theo chúng ta", ông nói.
Hiện có 4 biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta đang hoành hành trên thế giới. Tuy nhiên WHO cảnh báo điều tồi tệ hơn có thể vẫn còn nằm ở phía trước bởi "khả năng cao các biến chủng mới, nguy hiểm hơn xuất hiện và lây lan toàn cầu".
WHO coi các biến chủng là "đáng lo ngại" nếu chúng dễ lây truyền hơn, gây chết người nhiều hơn hoặc có khả năng kháng vắc xin.
Theo ủy ban trên, đại dịch vẫn là thách thức toàn cầu trong bối cảnh các nước đang phải xử lý các vấn đề y tế, kinh tế lẫn xã hội.
Các quốc gia có khả năng tiếp cận vắc xin sớm và hệ thống y tế có nguồn lực tốt đang phải chịu áp lực mở cửa hoàn toàn. Ngược lại, "các quốc gia tiếp cận vắc xin hạn chế đang trải qua những làn sóng lây nhiễm mới, chứng kiến lòng tin công chúng bị xói mòn cũng như khó khăn kinh tế ngày càng tăng, và trong một số trường hợp, bất ổn xã hội cũng ngày càng tăng".
Ủy ban của WHO nhấn mạnh cần phải tiêm cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia vào tháng 9-2021 cũng như tăng cường chia sẻ vắc xin giữa nước giàu và nước nghèo. Ngoài ra, việc "đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay và cải thiện hệ thống thông gió cho các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây nhiễm".
TTO - Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 15-7 tuyên bố giữ nguyên quan điểm các nước không nên yêu cầu bằng chứng tiêm chủng COVID-19 đối với các chuyến bay quốc tế.