Tác giả bài viết là Paul Krugman, chuyên gia kinh tế từng đạt giải Nobel và là cây bút kỳ cựu của tờ New York Times với những bài bình luận sắc sảo. Dưới đây chúng tôi xin gửi tới bạn đọc lược dịch của bài báo "The Trumpian Roots of the Chip Crisis" được đăng trên New York Times.
Kinh tế Mỹ hiện ở trong trạng thái như thế nào? Có thể tóm tắt nhanh gọn bằng 1 cụm từ: "bùng nổ với rất nhiều nút thắt cổ chai". Và một số trong các nút thắt chính là hệ luỵ của mớ hỗn độn mà chính sách thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump đã gây ra.
Chúng ta đang ở đâu? Thị trường lao động Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ, ở tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy kể từ năm 1984. Dù chưa có số liệu chính thức nhưng chắc hẳn GDP quý II cũng sẽ khả quan. Tuy nhiên, nghịch lý là người Mỹ lại đang trải qua thời kỳ thiếu thốn mọi thứ, thậm chí một số lĩnh vực bị thiếu hụt nguyên liệu và làm quá trình sản xuất bị gián đoạn, dẫn đến giá cả tăng vọt.
Một số chỗ trống đang tự lấp đầy. Ví dụ, 2 tháng trước giá gỗ xẻ đắt gấp 4 lần so với thời điểm trước dịch nhưng hiện đã giảm hơn 50%. Tuy nhiên, nhiều nút thắt khác có lẽ sẽ tồn tại dai dẳng. Thương mại toàn cầu đang bị kéo lùi bởi tình trạng thiếu hụt container – điều mà các chuyên gia dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất là cho đến cuối năm nay.
Và còn 1 nút thắt thậm chí còn lớn hơn, khó giải quyết hơn: tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Ngày nay, hầu như mọi thứ đều phải sử dụng đến những con chip silicon. Vì thế thiếu chip là 1 rắc rối nghiêm trọng với không chỉ các nhà sản xuất máy tính và smartphone mà còn với cả những hàng hoá lâu bền thiết thực hàng ngày như đồ điện gia dụng và đặc biệt là xe ô tô.
Kết quả là, tình trạng thiếu chip gây ra nhiều hệ luỵ không lường trước được. Dây chuyền sản xuất ô tô bị ảnh hưởng, dẫn đến một số người sẽ chọn mua xe cũ thay vì xe mới. Do đó 1 điều bất ngờ đã xảy ra: giá xe cũ tăng cao lại trở thành tác nhân quan trọng đẩy tăng lạm phát của Mỹ trong tháng 6. Thậm chí đà tăng giá xe cũ chiếm tới 1/3 tổng mức tăng giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5.
Tại sao chúng ta lại đối mặt với tình trạng thiếu chip? Một phần nguyên nhân là do đại dịch đã tạo ra 1 chu kỳ kinh doanh kỳ lạ. Không thể ra ngoài để đi ăn hàng, mọi người cải tạo lại gian bếp và sắm một mớ đồ gia dụng mới. Không thể tới phòng tập, họ mua các thiết bị của Peloton. Vì thế nhu cầu về các thiết bị tăng vọt, trong khi nhu cầu về hàng hoá cũng tăng trong khi giờ đây hầu như mọi hàng hoá đều có gắn 1 con chip.
Tuy nhiên, như Chad Bown, chuyên gia của Viện kinh tế quốc tế Peterson đã chỉ ra, các chính sách thương mại của chính quyền Trump đã khiến tình hình trở nên tệ hơn rất nhiều. Khi ông Trump "khai hoả" cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, rõ ràng là bản thân ông và các cố vấn đã không hiểu rõ về thương mại thế giới hiện đại.
Ngày nay thương mại quốc tế không chỉ bao gồm những giao dịch trao đổi hàng hoá đơn thuần (ví dụ như ta bán cho họ xe hơi, họ bán cho ta máy bay) mà đã phát triển thành các chuỗi cung ứng rất phức tạp. Toàn bộ quá trình sản xuất ra 1 món đồ dù nhỏ xíu nhưng thường bao gồm nhiều công đoạn được thực hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Do đó, với thực tế hiện nay, cấu trúc chính sách thuế quan của ông Trump là hoàn toàn không phù hợp vì chủ yếu tập trung vào những nguyên liệu đầu vào trung gian như con chip và máy móc thiết bị.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra kết quả là thuế quan đã làm giảm số lượng việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ. Chính sách thương mại của chính quyền Trump còn gây ra nhiều bất ổn vì thiếu thống nhất và khó đoán. Không ai biết được sản phẩm nào tiếp theo sẽ bị đánh thuế hay liệu thuế có được áp dụng lâu dài hay không. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất chip.
Những nhà sản xuất nước ngoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Họ sẽ không muốn tăng công suất, bởi vì nguy cơ có thể đối mặt với mức thuế suất cao bất cứ lúc nào. Kể cả các nhà sản xuất Mỹ cũng không muốn đầu tư bởi vì thuế quan bảo hộ họ có thể thay đổi chỉ sau 1 đêm, hơn nữa có thể bị trả đũa và cấm bán ở thị trường nước ngoài bất cứ lúc nào.
Về cơ bản thì chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không thể vận hành trơn tru khi chính sách thương mại của một trong những nền kinh tế chủ chốt nhất được điều hành bởi 1 vị Tổng thống thường nảy ra những ý tưởng đột xuất từ các chương trình truyền hình cáp.
Tôi không phải là người hoàn toàn ủng hộ tự do thương mại. Có những trường hợp chính sách can thiệp của chính phủ là tốt, để đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và có vẻ như chính quyền Joe Biden đang đi theo hướng này. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là chính sách thương mại phải được hoạch định bởi những người hiểu rõ bản chất vấn đề và mọi thứ cần rõ ràng đủ để các doanh nghiệp tự tin đầu tư.
Nói cách khác, chúng ta cần đến phong cách ra chính sách đối lập với nhiệm kỳ trước. Chính sách tệ không hẳn là nguyên nhân chính dẫn đến những nút thắt cổ chai mà chúng ta đang trải qua, và tôi cũng không tin là các nút thắt này ngăn chặn đáng kể nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, có 1 điều không thể phủ nhận: chính sách thương mại của thời Trump thực sự đã gây ra những tổn thất lớn mà chúng ta vẫn đang phải trả giá.
Tham khảo New York Times