Đường phố đã vắng càng thêm vắng, những đoạn dây "cảnh báo", hàng rào ở các ngõ hẻm, khu dân cư nhiều hơn, và số ca nhiễm bệnh cũng như số tử vong - thật buồn - tăng lên chưa ngừng.
Một tuần hầu hết chợ búa ngừng hoạt động, các siêu thị tăng hết công suất, nhưng nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người dân.
Những hàng dài người xếp hàng chờ mua thực phẩm, những kệ hàng nhanh chóng trống trơn. Một tuần các nhóm thiện nguyện, dù khó khăn về nguồn lương thực thực phẩm, vẫn hết sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cố gắng không để một ai bị đứt bữa.
Một tuần các bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế vẫn tiếp tục căng mình chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, tiêm chủng... cho người dân, trong khi nguồn lực chữa trị đang quá tải. Thật sự là những thử thách để tiếp tục cuộc chiến còn khó khăn này.
Một tuần phần lớn dân chúng ở nhà, nghiêm túc chấp hành 5K và những chỉ thị khác. Vì tất cả đều hiểu rằng chỉ có thể vượt qua đại dịch khi tất cả đồng lòng, tự bảo vệ mình tức là góp phần bảo vệ cộng đồng.
Và trong một tuần đó, chính quyền thành phố đã khẩn trương hơn, có nhiều thay đổi chiến lược hơn trong chỉ đạo điều hành chống dịch. Rồi những đồng tiền hỗ trợ đã đến tay những nhóm người ngặt nghèo nhất.
Kể ra những điều trên không phải chỉ để nhìn thấy những thiếu thốn khó khăn, không phải để bi quan, để kêu ca hay chê bai, mà để nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận và khắc phục để tình trạng giãn cách mau chấm dứt, để hy vọng thành phố sớm trở lại những ngày bình thường mới.
Nhưng muốn trở lại bình thường thì cần thêm những giải pháp mới, những cách làm mới sau một tuần giãn cách, nhất là khi số ca nhiễm sau một tuần vẫn tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng.
Qua một tuần, và trước đó là một tháng, thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15 và chỉ thị 10, kinh nghiệm rút ra là để chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế, đời sống một cách tốt nhất có thể, chính quyền cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho xã hội và cộng đồng thực hiện vai trò một cách tích cực nhất.
Việc ngừng bán đồ ăn sẵn mang về tạo thêm khó khăn cho rất nhiều người, làm tăng thêm "gánh nặng" cho các siêu thị và tổ chức thiện nguyện, vậy phải tìm thêm cách khác để khắc phục những khó khăn đó để đời sống người dân "dễ thở" hơn.
Hệ thống cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và cứu giúp những người nguy cơ thiếu đói cần thay đổi cho phù hợp: thông thoáng nguồn cung ứng hàng hóa, cho phép mở lại một cách có kiểm soát một số chợ truyền thống… để góp phần giải quyết ngay tình trạng quá tải ở siêu thị và chặn đứng việc tích trữ thực phẩm...
Cách ly toàn thành phố là phương thức ứng phó xã hội mang tính kỹ thuật, khi thực hiện sẽ khó khăn vì cuộc sống luôn có tình huống phức tạp ngoài dự kiến. Vì vậy, cần sự nghiêm khắc nhưng cũng cần lắm thái độ nhân văn của những người thi hành công vụ với người dân, nhất là dân nghèo.
Đừng để một biện pháp xử lý hành chính biến thành sự vô cảm, lòng trắc ẩn của con người bị mai một, gây thêm tổn thương cho xã hội đang chịu nhiều thử thách.
Sau một tuần thực hiện nghiêm túc chỉ thị 16, tôi nghĩ đã đến lúc thành phố cần phải nhìn lại để có ngay cách ứng phó mới phù hợp hơn với thực trạng của dịch bệnh và phương pháp chống dịch mới. Sài Gòn là vùng đất vốn dễ thích ứng với những biến động.
Nếu là điều mới mẻ và tích cực thì sẽ nhanh chóng được nhân lên nhiều lần, còn những gì không phù hợp thì cũng phải thay đổi ngay, thậm chí quyết liệt thay đổi. Tôi tin là thành phố sẽ sớm thích ứng với các biện pháp chống dịch mới để có thể cùng nhau vượt qua "trọng bệnh" này.
TTO - Để được vào cửa hàng thực phẩm, siêu thị lưu động mua hàng, người dân tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã phải xếp hàng dài cả trăm mét dọc tuyến đường Lê Quang Định, thậm chí phải chờ đợi hơn nửa tiếng đồng hồ vào sáng 14-7.
Xem thêm: mth.52134247061701202-auq-id-naut-tom/nv.ertiout