Tiêu chuẩn nào phù hợp đối với đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay là câu hỏi đang được đặt ra để thảo luận. Hình minh họa: môi trường nghiên cứu, làm thực nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: ĐHBKHN
Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo thông tư số 18 ngày 28-6, Phó thủ tướng chỉ đạo:
"Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì cần có quy định cho phù hợp".
Thông tư số 18 ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt Quy chế 2021) do Bộ GD-ĐT ban hành hôm 28-6, được nhiều nhà khoa học (đặc biệt là khối khoa học tự nhiên) đánh giá là có một số điểm tiến bộ, nhưng lại đặt ra chuẩn thấp hơn thông tư số 08/2017 ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt Quy chế 2017).
Cụ thể là Quy chế 2021 đặt ra chuẩn thấp hơn về tiêu chí có bài báo công bố quốc tế, cũng như chuẩn tiếng Anh so với Quy chế 2017. Theo cách giải thích của Bộ GD-ĐT, Quy chế 2021 đề ra một mức sàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đào tạo tiến sĩ của Việt Nam.
Quy chế 2021 phát huy tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường có thể căn cứ trên mức sàn bộ đưa ra để tạo ra chuẩn riêng về đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học ngành khoa học tự nhiên lại lập luận rằng, ngành giáo dục đã mất rất nhiều công sức để nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ (thể hiện trong Quy chế 2017), cũng như tiêu chuẩn về các chức danh phó giáo sư, giáo sư.
Nhờ thế mà từ chỗ mỗi năm chỉ có vài nghìn bài báo khoa học công bố quốc tế, nay mỗi năm có tới hàng chục ngàn bài. Nay Quy chế 2021 hạ chuẩn về bài báo quốc tế tức là đi "giật lùi".
Nhiều nhà khoa học cùng chung ý kiến, vì Việt Nam chưa có xếp hạng đại học, nên xã hội không thể phân biệt được tiến sĩ do trường tốp đầu đào tạo với tiến sĩ do các trường tốp dưới đào tạo.
Vì thế người học sẽ có xu hướng chọn những trường đặt tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ dễ hơn là những trường đặt tiêu chuẩn cao. Vì lẽ đó, dù được tự chủ, các trường tốp đầu cũng sẽ không dám nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ.
Do đó ở thời điểm này, các nhà khoa học cho rằng vẫn cần Bộ GD-ĐT là người "cầm trịch" đưa ra chuẩn chung về đào tạo tiến sĩ.
Do đặc thù ngành khoa học xã hội khó có thể có nhiều công bố quốc tế như khoa học tự nhiên, nên giới nghiên cứu khoa học xã hội có thể cảm thấy "dễ thở" hơn với Quy chế 2021.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cho rằng xu hướng hội nhập là tất yếu, yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bài báo quốc tế là chuẩn tối thiểu. Họ đề xuất Quy chế 2021 vẫn nên yêu cầu các nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội có bài báo quốc tế, nhưng chuẩn có thể thấp hơn khoa học tự nhiên một chút.
Có thể thấy Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ đã tạo ra những tranh luận xã hội hết sức lành mạnh. Yêu cầu nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ cho thấy bước phát triển mới của đào tạo sau đại học ở Việt Nam.
Tiêu chuẩn đào tạo trình độ tiến sĩ của năm 2017 và năm 2021
TTO - Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế về đào tạo tiến sĩ để thay thế quy chế năm 2017. Với quy chế mới, có ý kiến cho rằng đó là "bước thụt lùi" với ngành khoa học tự nhiên và công nghệ.