Trao tiền hỗ trợ cho người dân lao động tự do trong khu phong tỏa tại quận Bình Thạnh - Ảnh: VŨ THỦY
Chiều 16-7, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì cuộc họp về kết quả triển khai thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế khi thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng trên địa bàn TP (từ 9-7 đến nay).
Về công tác bảo đảm an sinh xã hội, đến nay TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã lập danh sách tổng số 210.933 người cần hỗ trợ theo nghị quyết 09 (chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP) của HĐND TP và nghị quyết 68 (hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động) của Chính phủ.
Trên cơ sở đó TP Thủ Đức và các quận, huyện đã chi chi hỗ trợ số tiền hơn 153 tỉ đồng cho 130.431 người trên tổng số 210.933 lao động trong danh sách.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp của TP cũng tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho những lao động, người nghèo ngoài quy định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng các tổ chức chính trị - xã hội TP đã đi thăm, tặng quà sinh nhật, sách - truyện và cây xanh cho người dân bị cách ly y tế và lực lượng quản lý tại 3 khu cách ly do TP quản lý.
Đồng thời, hỗ trợ tặng quà giá trị 300.000đ/người để mua nhu yếu phẩm với tổng số tiền 3,9 tỉ đồng. Hỗ trợ, bồi dưỡng các lực lượng tham gia trực tại các chốt phong tỏa, khu vực cách ly… nhu yếu phẩm và vật tư y tế cho lực lượng y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện tiêm vaccine, với số tiền 17,6 tỉ đồng; hỗ trợ mua nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong khu phong tỏa, khu cách ly với số tiền 26,4 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã vận động doanh nghiệp ủng hộ kinh phí mua trang thiết bị y tế, vật dụng, vật tư y tế như hệ thống ECHMO, máy Realtime PCR, máy thở, test xét nghiệm... phục vụ khám, điều trị bệnh COVID-19 tại các bệnh viện điều trị, các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung với số tiền hơn 1.048 tỉ đồng.
"Chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn nhất, cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 còn dài, đời sống người dân sẽ còn khó khăn. Chúng ta cần chú ý duy trì, làm tốt hơn công tác chăm lo cho người dân, để an dân..." - ông Nguyễn Hồ Hải yêu yêu cầu.
TTO - Theo giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội, người bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa... được ưu tiên đề xuất hỗ trợ. Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.