Biến thể Delta kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á
Khánh Lan
(KTSG Online) – Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 toàn cầu do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh trong khi tốc độ triển khai tiêm vaccine Covid-19 trong khu vực lại chậm chạp. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, các nhà kinh tế nhận định đà phục hồi tăng trưởng của Đông Nam Á không còn khả quan như các dự báo trước đây.
Số ca tử vong vì Covid tăng nhanh nhất thế giới
Với số dân cao gấp đôi dân số của Mỹ, Đông Nam Á đang chứng kiến tốc độ lây lan Covid-19 vượt qua cả những tâm dịch trước đây như Mỹ Latin hay Ấn Độ. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca nhiễm Covid-19 trong khu vực tăng 41% trong tuần qua, lên hơn nửa triệu ca, trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh này ở Đông Nam Á trong 7 ngày, tính đến ngày 14-7, cũng tăng 39%, đà tăng nhanh nhất thế giới và có thể còn tăng mạnh nữa trong thời gian tới.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca nhiễm mới hàng ngày trong tuần này và trở thành tâm chấn mới của đại dịch Covid-19 ở châu Á. Một số nước láng giềng của quốc gia này cũng ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày tăng lên các mức kỷ lục.
Một bệnh nhân Covid-19 đang được chăm sóc ở một lều tạm bên ngoài một bệnh viện ở Bekasi thuộc vùng ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters |
Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á chỉ mới đạt 9%, kém xa so với các khu vực phát triển như Bắc Âu và Bắc Mỹ, nơi hơn 50% dân số đã được tiêm phòng.
Trong lúc một số nước phương Tây tái mở cửa nền kinh tế, Đông Nam Á lại chứng kiến tình hình dịch bệnh đang ngày càng tồi tệ buộc chính phủ các nước trong khu vực này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Singapore đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19 nhưng đó chỉ là một trường hợp ngoại lệ của khu vực nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và chính sách đóng cửa biên giới
Các thị trường chứng khoán trong khu vực bị bán tháo trong những tuần gần đây, với chỉ số MSCI Asean giảm 1,7% trong tháng này. Các chính phủ Asean buộc phải tung ra các gói cứu trợ kinh tế, chấp nhận mức thâm hụt tài khóa khổng lồ, trong khi đó, các ngân hàng trung ương của họ cũng cạn kiệt các giải pháp.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bắt đầu thảo luận về việc giảm dần các chương trình mua tài sản và điều này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Á khó tiếp tục nới lỏng tiền tệ mà không gây nguy cơ giảm giá cho đồng nội tệ của họ.
Con đường phục hồi kinh tế sẽ gập ghềnh
“Với tốc độ tiêm vaccine Covid-19 chậm chạp, ngoại trừ Singapore, chúng tôi dự báo con đường phục hồi kinh tế của Đông Nam Á sẽ rất gập ghềnh và có nguy cơ các biện pháp hạn chế đi lại trong khu vực sẽ còn kéo dài. Sự gia tăng của tình trạng bất ổn này cũng có thể khiến nền kinh tế khu vực chịu thêm tổn thương” Sian Fenner, Nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Oxford Economics, nói.
Indonesia, Thái Lan và Philippines đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của họ trong năm nay và Malaysia cho biết sẽ sớm xem xét hạ dự báo tăng trưởng. Việt Nam, một trong số ít nền kinh tế trên thế giới tiếp tục tăng trưởng trong năm ngoái, hiện đang phải ứng phó với các cơn bùng phát dịch bệnh ở những khu vực có các khu công nghiệp lớn.
Trước đại dịch, Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Nền kinh tế Đông Nam Á được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là hàng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kìm hãm các động lực tăng trưởng truyền thống của khu vực này như tiêu dùng và du lịch. Tuy nhiên, nếu nhu cầu bên ngoài đảo chiều, Đông Nam Á sẽ chịu thêm tổn thương.
"Giờ đây, các nền kinh tế phát triển ở phương Tây đang mở cửa trở lại, động lực nhu cầu của họ có thể sẽ chuyển từ các sản phẩm hàng hóa sang dịch vụ. Điều này có nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu của châu Á có thể sẽ giảm xuống trong những tháng tới. Để đà phục hồi kinh tế duy trì, nhu cầu tiêu dùng nội địa ở các nước châu Á cần phải tăng lên, tuy nhiên tình hình dịch bệnh đang làm giảm triển vọng đó”, Tuuli McCully, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Scotiabank, nhận định.
Ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Hàng màu xanh nhạt là mức tăng trưởng dự báo mới nhất, hàng màu xanh đậm là mức tăng trưởng theo dự báo trước đây. Ảnh: CNBC |
Trong một báo cáo hôm 15-7, các Nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs Group cho biết họ cắt giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á trong nửa cuối năm nay trung bình 1,8 điểm phần trăm, trong đó, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan bị cắt giảm dự báo tăng trưởng mạnh nhất. Họ cho rằng các đợt bùng phát Covid-19 kéo dài và các hạn chế đi lại được thắt chặt hơn có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng GDP của Đông Nam Á trong nửa cuối năm nay so với ước tính trước đây .
Lãi suất cơ bản trong khu vực đang ở mức thấp nhất hoặc gần mức thấp nhất từ trước đến nay và các chính phủ Đông Nam Á không còn nhiều dư địa chính sách để thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn.
Malaysia, vốn đã thông qua bốn gói kích thích trong năm nay, cho biết họ đang xem xét nâng trần nợ công khi nước này cạn kiệt dư địa chính sách tài chính. Indonesia gần đây ám chỉ rằng nước này có thể không kiểm soát được thâm hụt ngân sách nhanh chóng như kế hoạch. Chính phủ Philippines vừa trả xong khoản vay 540 tỉ peso (10,8 tỉ đô la) của Ngân hàng Trung ương vào tuần trước, ngay lập tức quay trở lại tìm kiếm một khoản vay khác.
Trong quyết định hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Philippines xuống mức tiêu cực mới đây, Fitch Ratings lưu ý rằng đại dịch Covid-19 tạo ra những tổn thương tiềm ẩn có thể kìm hãm tăng trưởng của nước này trong trung hạn. S&P Global Ratings cũng đưa ra cảnh báo tương tự đối với Indonesia khi cho rằng sự trỗi dậy của dịch bệnh Covid- 19 và việc phong tỏa kéo dài sẽ dẫn đến những tác động lớn đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Rob Carnell, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng ING, cho rằng các nước Đông Nam Á đã cố gắng hạn chế phong tỏa nghiêm ngặt sớm khi dịch bệnh Covid-19 tái trỗi đậy để giảm thiểu tác động đến sinh kế của người dân. Nhưng họ đang phải trả giá cho sự lựa chọn đó, chủ yếu là do nỗ lực xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly các ca dương tính không hiệu quả. Các nước như Philippines và Indonesia, vốn chọn phương án phong tỏa từng phần và cuốn chiếu (phong tỏa nghiêm ngặt trong giai đoạn đầu và nới lỏng dần ở giai đoạn sau), buộc phải tiếp tục thực hiện chúng bằng hình thức này hay hình thức khác. |
Theo Bloomberg
Xem thêm: lmth.-a-man-gnod-auc-et-hnik-gnourt-gnat-mah-mik-atled-eht-neib/054813/nv.semitnogiaseht.www