vĐồng tin tức tài chính 365

Những câu hỏi về tính logic của số liệu GDP 6 tháng năm 2021

2021-07-16 17:55

Những câu hỏi về tính logic của số liệu GDP 6 tháng năm 2021

Hải Nam

(KTSG Online) - Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức khá cao là 5,64%, nhưng xung quanh con số này vẫn còn nhiều câu hỏi cần đặt ra về tính logic.

Sự khác biệt đáng kể của hai phương pháp tính GDP

Tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về mức tăng trưởng GDP 5,64% có bất thường hay không khi đây là khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TPHCM…

Đáp lại, đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra hàng loạt “động lực” tăng trưởng trong 6 tháng và khẳng định con số đưa ra là chính xác.

Để xác định GDP 6 tháng năm 2021 có bất thường hay không, trước hết phải nắm rõ về cách tính GDP của Thống kê Việt Nam áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê(*), cho biết hiện nay Tổng cục Thống kê đang biên soạn và công bố GDP theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng theo quí và năm.

“Số liệu GDP hằng quí và cả năm được biên soạn đồng thời theo hai phương pháp là phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. Trong đó, phương pháp sản xuất là phương pháp chính do nguồn thông tin thu thập từ sản xuất thường chính xác, đầy đủ hơn so với nguồn thông tin về cầu phục vụ cho biên soạn GDP theo phương pháp sử dụng”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Một chuyên gia thống kê lại có quan điểm trái ngược với quan kiến của lãnh đạo Tổng cục Thống kê. Vị này chia sẻ: Các nước trên thế giới thống nhất khi hệ thống thống kê phát triển tốt, đồng thời với nguồn thông tin tốt thì phương pháp sử dụng GDP thường cho kết quả chính xác hơn phương pháp sản xuất.

Tại sao như vậy? Tại vì số liệu về tiêu dùng, tích lũy, xuất nhập khẩu thường có chất lượng tốt hơn và giám sát tốt hơn. Rất hiếm người khai sai về tiêu dùng, nếu họ tiêu 10 họ bảo 10 chứ không bảo 20 vì sẽ bị đặt câu hỏi tiền ở đâu ra. Thông thường họ khai thấp thu nhập chứ không khai thấp chi tiêu…

Trở lại với hai phương pháp tính GDP nói trên, số liệu GDP Việt Nam được công bố là số liệu tính toán theo phương pháp sản xuất. Còn GDP tính theo phương pháp sử dụng để nghiên cứu tổng cầu của nền kinh tế và dùng để kiểm tra tính chính xác của số liệu GDP theo phương pháp sản xuất.

Đây cũng chính là điểm mấu chốt để chỉ ra việc GDP 6 tháng năm 2021 có điểm gì “chưa logic”.

Điểm không bình thường của kết quả tính tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021?

Số liệu đã công bố về tăng trưởng GDP (tính theo phương pháp sản xuất) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%.  GDP 6 tháng đầu năm 2018 theo phương pháp sử dụng phản ánh: tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%, kết quả là xuất siêu hàng hoá và dịch vụ 2,5 tỉ đô la.

Theo phương pháp sản xuất, GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%. Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%, kết quả là xuất siêu hàng hoá và dịch vụ 1,1 tỉ đô la.

Về cơ cấu, các yếu tố của GDP theo phương pháp sử dụng thì tiêu dùng cuối cùng chiếm từ 70-75% GDP, tích lũy tài sản chiếm khoảng 20-25% GDP, còn lại là đóng góp của xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Nếu xuất siêu hàng hoá và dịch vụ thì làm tăng GDP, khi nhập siêu làm giảm GDP.

Trong khi đó, số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 theo phương pháp sản xuất tăng 5,64%. Trên góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%, kết quả là nhập siêu 9,2 tỉ đô la.

Một chuyên gia thống kê phân tích: Nhìn vào dãy số liệu năm 2018, 2019, có thể thấy con số tiêu dùng cuối cùng thường tăng cao hơn con số tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất và số liệu như thế là hợp lý và đảm bảo tính chính xác giữa hai phương pháp tính GDP.

Trở lại con số tăng trưởng của 6 tháng năm 2021, tăng trưởng GDP lên tới 5,64%, tích lũy chiếm tỷ trọng khoảng trên 20% GDP chỉ tăng 5,67%, tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng trên 70% GDP lại chỉ tăng có 3,56%, 6 tháng năm 2021 lại nhập siêu 9,2 tỉ đô la. Cho nên, những thắc mắc về con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64% là có thể hiểu được.

Nhìn vào phân tích trên, có thể thấy sai số về GDP giữa hai phương pháp tính là rất lớn. Nói về mức sai số này, bà Nguyễn Thị Thu Hương giải thích: Việc tính GDP theo 2 phương pháp và từ các nguồn thông tin khác nhau (từ phía sản xuất và từ phía tiêu dùng) thì kết quả sẽ không hoàn toàn trùng khớp nhau. Kết quả biên soạn GDP từ phương pháp sử dụng có thể cao hơn hoặc thấp hơn kết quả được biên soạn theo phương pháp sản xuất và phần chênh lệch này được đưa vào sai số (theo quy định tỷ lệ sai số cho phép trong khoảng +/-5%).

Đúng là việc tính GDP theo hai phương pháp độc lập, từ các nguồn thông tin độc lập, thì không bao giờ kết quả bằng nhau, tức không có nghĩa GDP tính phương pháp sản xuất tăng 6,8% thì GDP theo phương pháp sử dụng cũng phải bằng 6,8%. Kết quả tính GDP từ phương pháp sử dụng có thể thấp hơn hoặc cao hơn do có sai số từ hai nguồn thông tin khác nhau. Thế nhưng mức độ sai số của hai phương pháp lên đến +/- 5% không hẳn như lãnh đạo Tổng cục Thống kê giải thích. Bởi nếu sai số cho phép lên tới 5% thì không cần phải dùng nhiều phương pháp tính GDP như vậy (nếu GDP theo phương pháp sản xuất tăng 5%, còn GDP sử dụng tăng 2% mà vẫn chấp nhận được thì không cần thiết phải tính theo GDP sử dụng để làm gì).

Thực tế, nhìn dãy số liệu từ 2019 trở về trước, sai số của hai phương pháp tính này là rất nhỏ, khoảng trên dưới 0,2%. Đơn cử, nhìn số liệu GDP tính theo hai phương pháp của năm 2019 là thấy điều này.

Năm 2019, GDP cả năm theo phương pháp sản xuất tăng 7,02% còn GDP theo phương pháp sử dụng tăng 7,01% (Lấy số 3.738.546 là quy mô GDP năm 2019 theo giá so sánh chia cho 3.493.399 là quy mô GDP năm 2018 theo giá so sánh thì được kết quả tăng 7,01%).

Như vậy, sai số giữa 2 phương pháp chỉ là 0,01%. Điều này cũng cho thấy thắc mắc liên quan số liệu GDP 6 tháng năm 2021 là có thể hiểu được. Điểm chưa logic như trên của số liệu tính toán tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 khiến cho nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn về con số được Tổng cục Thống kê công bố. Vì thế, các số liệu cần phải được làm rõ hơn để tăng tính thuyết phục với người dùng số liệu.

Đã có ý kiến trích dẫn số liệu ở hình trên để chứng minh rằng sai số giữa hai phương pháp +/-5% là bình thường. Tuy nhiên, đang có sự hiểu lầm ở đây. Trong biểu đồ trên có dữ liệu về sai số, đây là sai số về quy mô GDP tính theo 2 phương pháp, còn vấn đề đang được bàn luận ở đây lại là sai số về điểm phần trăm tăng trưởng giữa 2 phương pháp.

 

----------------------------------------------------------------------------

(*) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/gdp-tang-564-phan-anh-sat-thuc-buc-tranh-kinh-te-6-thang-dau-nam/

Xem thêm: lmth.1202-man-gnaht-6-pdg-ueil-os-auc-cigol-hnit-ev-ioh-uac-gnuhn/914813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những câu hỏi về tính logic của số liệu GDP 6 tháng năm 2021”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools