Facebook Khu phố 5, phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh chụp màn hình
Trên trang Facebook "Khu phố 5, phường 3, quận Bình Thạnh", các bạn trẻ thường xuyên chia sẻ những hoạt động hè của Đoàn phường, các chương trình hè dành cho thiếu nhi trong thời gian giãn cách xã hội.
Được lập ra từ năm 2017 với mong muốn ban đầu là cập nhật hình ảnh, thông tin về các hoạt động Đoàn trong khu phố, thời gian gần đây, địa chỉ này trở nên quen thuộc hơn khi hầu hết mọi người đều chia sẻ thông tin trực tuyến, tránh gặp mặt nhau để hạn chế lây lan dịch bệnh. Các hoạt động của phường triển khai cho chi đoàn được thông báo đến thanh niên khu phố theo cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Huỳnh Thị Quỳnh, bí thư Đoàn phường 3 là người đưa ra ý tưởng và thực hiện trang Facebook này. Khi ấy, Quỳnh còn là bí thư chi đoàn khu phố 5.
"Mùa dịch này, việc đăng thông tin trên các nhóm, trang mạng rất hiệu quả, vì tránh tiếp xúc trực tiếp, công tác lại được triển khai nhanh chóng để các bạn đoàn viên nắm bắt kịp thời", Quỳnh chia sẻ.
Theo Quỳnh, thế hệ trẻ hiện nay có thế mạnh là dùng điện thoại thông minh và công nghệ từ rất sớm. Vì vậy, họ dễ dàng ứng dụng các hình thức quản lý, thông tin qua mạng như Facebook, Zalo một cách hiệu quả. Điều này càng thể hiện rõ thế mạnh và lợi ích trong thời gian giãn cách xã hội.
Trên nhóm Facebook Khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9 với 303 thành viên, các thông tin về hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn bị cách ly do dịch COVID-19, hay tạm ngưng hoạt động của chợ, đến lịch lấy mẫu xét nghiệm, khung giờ chi tiết cho từng tổ đến lấy mẫu cũng được thông báo rõ ràng, gíup người dân kịp thời cập nhật.
Ở tổ 183 phường Tân Quý (Quận Tân Phú), anh Đặng Văn Thái, tổ trưởng cũng áp dụng việc lập nhóm Zalo để gửi thông báo đến người dân trong tổ. Các thông tin từ ban, ngành, đoàn thể được anh Thái chuyển đến bà con chỉ với một nút chia sẻ. Nhanh chóng và gọn gàng.
"Mùa dịch, mình cũng tránh việc đến nhà từng người dân. Vừa hạn chế lây lan dịch, vừa tránh làm phiền họ phải tiếp với mình vì không phải ai cũng có thời gian rảnh", anh Thái cho biết.
"Bây giờ mọi thứ hiện đại và đều được số hoá hết rồi. Việc chuyển thông tin qua nhóm chat giúp mọi người theo dõi đầy đủ các thông báo trong tổ, không bị thiếu sót. Đồng thời, thông tin cũng được công khai và minh bạch, kể cả thu chi, quyết toán mình đều công bố trên nhóm", anh nói thêm.
Theo anh Thái, nhóm được khởi tạo từ cuối năm 2019. Từ khi bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19 vào năm 2020 đến nay, từ vài chục thành viên ban đầu, số người tham gia nhóm hiện nay đã lên đến 110 người.
"Có những người dân không biết dùng smartphone thì nhờ các hộ gia đình kế bên vào nhóm, đọc thông tin rồi thông báo lại. Có người bị sót thông tin, sau đó chủ động xin vào nhóm", vị tổ trưởng kể.
Dần dà, mỗi thành viên trong tổ đều chủ động chia sẻ nhau các thông tin. Những đóng góp được gửi lên với tinh thần vì mục tiêu chung, mang tính xây dựng. Anh Thái cũng đảm bảo nhóm không xuất hiện các tin tức quảng cáo hay thông tin ngoài lề, không liên quan đến công việc chung.
"Lúc chống dịch, có khi 1-2 giờ sáng mới triển khai công việc và thông báo, nên có nhóm chat thì đỡ cho phường lắm. Nghĩ đến việc đi từng nhà người dân thì không thuận tiện trong mùa dịch", anh Thái nhấn mạnh.
TTO - Vợ chồng anh Phạm Thắng (quận Gò Vấp, TP.HCM) đang nấu hàng trăm suất cháo dinh dưỡng hằng ngày để gửi tặng các em nhỏ ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM.
Xem thêm: mth.11265125101701202-enilno-nel-neyuhc-ac-tat-hcid-aum-peit-oaig/nv.ertiout