Ngày đầu đến đây cách ly, cũng như mọi người, tôi có lo lắng khi không nhận được nhiều thông tin về phác đồ điều trị, cũng ít có ai hỏi thăm.
Tôi thuộc diện F0 khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nào, cũng hơi e ngại khi thấy nhiều người khác ở chung tầng bị ho hay có những triệu chứng mệt mỏi rất rõ.
Nhưng đó là hai ngày đầu thôi. Ngày thứ tư tôi ở đây, chúng tôi được các y bác sĩ chăm lo, hỏi thăm đều đặn hơn, mọi thứ đã cải thiện đáng kể.
Sau những ngày giờ lo lắng, bệnh nhân cũng thấu hiểu nỗi nhọc của y bác sĩ, nhân viên ở đây. Tất cả họ đều làm việc rất nhiệt tình, rất vất vả đêm ngày với những bệnh nhân cũ mới. Có lẽ, họ không có đủ thời gian để chia sẻ thắc mắc của từng bệnh nhân.
Chúng tôi hiện có số điện thoại đường dây nóng được dán ở hành lang để bất kỳ ai có vấn đề gì thì có thể liên lạc với người phụ trách. Bệnh nhân ở đây dùng chung nhà vệ sinh trong điều kiện cơ sở vật chất của trường. Giường ngủ được đặt cách xa nhau 3m và có tấm che nhiều chiều giữa các giường.
Ngày 16-7, ngày thứ tư tôi đến đây, mỗi bệnh nhân vừa được tặng vài trái cam, chanh để có thể uống tăng đề kháng. Tôi xúc động vì thấy mình được chăm sóc lo món ăn, thức uống, thậm chí còn chu đáo hơn tôi có thể tự lo cho mình khi ở nhà.
Tôi đang nghĩ nếu mình mạnh khỏe, sau thời gian cách ly, mình sẽ xin làm tình nguyện viên để góp một phần công sức đỡ đần công việc của những người làm nhiệm vụ ở khu cách ly. Tôi có thể chuyển đồ ăn, thức uống, một phần sẽ giảm bớt khả năng lây nhiễm cho những người khỏe mạnh làm công việc này do lúc đó trong tôi cũng đã có kháng thể.
Tuy vậy, trước mắt tôi vẫn không khỏi những trăn trở về việc điều trị, về chi phí hiện tại ra sao, và nếu bệnh chuyển biến nặng thì cần chuẩn bị gì? Có phát sinh thêm chi phí hay không?
Tôi còn trẻ và có thu nhập nên không quá lo lắng. Nhưng ở nơi này, nhiều người vẫn hay đứng trầm ngâm trong đêm vắng. Hẳn nhiên, mọi người hạn chế giao tiếp với nhau, thắc mắc gì cũng ngại hỏi bác sĩ.
Mỗi người chúng tôi có những nỗi lo riêng, mỗi ngày trôi qua, khi lạc quan, cũng lắm khi tâm tư nặng trĩu hiện lên trong ánh mắt. Tôi nghĩ, tâm tư nhiều rõ ràng là không tốt, vì tinh thần không tốt thì hệ miễn dịch chắc chắn bị ảnh hưởng.
Không phải ai cũng có đủ hiểu biết về bệnh này. Không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế thoải mái và gia đình bình an để lạc quan trong suốt những ngày điều trị. Nhất là khi người thân của những người như tôi có thể là F0, F1 đang được cách ly, có không ít người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền.
Tôi đề xuất nên chăng có trang web (hoặc nhiều kênh thông tin khác) cung cấp thông tin đầy đủ, căn bản về các giai đoạn điều trị, chi phí và những vấn đề phát sinh... để người nghèo nhập viện vơi bớt hoang mang, lo lắng.
Tuổi Trẻ mở mục Nhật ký trong khu cách ly, để đăng tải những câu chuyện, vấn đề và thông tin liên quan các khu cách ly phòng dịch COVID-19. Rất mong nhận được cộng tác của bạn đọc, nhất là các bạn đang có mặt trong khu cách ly.
Bài viết, hình ảnh, video xin gửi về: tto@tuoitre.com.vn, đặt tiêu đề email: Nhật ký trong khu cách ly. Bạn đọc vui lòng cung cấp số điện thoại, thông tin tài khoản để toà soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Trân trọng cảm ơn bạn.
TTO - Cứ thế, bà con trong hẻm tôi ở đã trải qua cả tuần phong tỏa mà nhịp sống vẫn diễn ra bình thường. Chỉ là không ai được đứng gần với ai nhưng những ân tình trao nhau vẫn tiếp nối…
Xem thêm: mth.94433158071701202-gnav-med-gnort-magn-mart-tam-iod-gnuhn-yl-hcac-uhk-gnort-yk-tahn/nv.ertiout