Các tỉnh phía Nam giữ vững vùng an toàn, sẵn sàng cho tình huống xấu hơn
Y.Minh
(KTSG Online) - Tại cuộc giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam (xung quanh TPHCM) về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiều tối 16-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu các địa phương phải nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững các vùng an toàn, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, dịch lây lan rộng hơn.
Công nhân Công ty Gunzetal Việt Nam ở Bình Dương lên dây chuyền sản xuất đảm bảo đầy đủ các vị trí công việc. Bình Dương hiện đã lập 2 bệnh viện dã chiến, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ). Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc giao ban, lãnh đạo các địa phương nêu rõ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ về sinh phẩm, trang thiết bị y tế, vật tư chống dịch cùng như tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, không để tình trạng ách tắc.
Hiện nay, TPHCM và một số địa phương lân cận đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra các tỉnh, thành phố khác.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, dịch lây lan rộng hơn.
Ngoài việc thực hiện truy vết, xét nghiệm, sàng lọc, làm sạch các ổ dịch, các địa phương phải có kế hoạch để giữ vững những khu vực an toàn. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố kêu gọi nhân dân hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để có chỉ đạo tiếp theo, trên tinh thần phải nâng cao cảnh giác với tình hình dịch bệnh hiện nay, có nhiều khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Chính phủ quyết định giao Bộ Y tế mua sắm tập trung sinh phẩm trang thiết bị, vật tư y tế để hỗ trợ các tỉnh chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.
TPHCM nỗ lực tìm nguồn hàng
Liên quan đến tình hình khan hiếm một số hàng hoá, nhu yếu phẩm trên địa bàn, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội; vừa qua, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở đang nỗ lực liên hệ với các tỉnh thành để tìm kiếm nguồn hàng.
Tại cuộc họp báo của TPHCM vào tối 16-7, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong những ngày vừa qua, công tác vận chuyển hàng hoá nhu yếu phẩm có nhiều khó khăn. Các cấp, các ngành đã vào cuộc, tuy nhiên, thực tế là các tỉnh thành lân cận TP.HCM cũng đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh. Không chỉ công tác vận chuyển gặp khó, mà nguồn hàng hoá cũng hạn chế, do người dân không khó khăn trong thu hoạch, sản xuất, thu mua.
Các mặt hàng khan hiếm chủ yếu là lương thực, thực phẩm: rau, củ, trứng gia cầm. Nguyên nhân khan hiếm hàng trong thời gian ngắn hạn vừa qua là người dân có tình trạng mua nhiều, tích trữ hàng hóa.
Tính đến ngày 16-7, TPHCM chỉ còn 46 chợ truyền thống còn hoạt động. Với năng lực cung ứng hàng hoá của chợ truyền thống có hạn (trước đây hơn 200 chợ), tuỳ mặt hàng, giá bán tăng lên đến 60%. Số lượng chợ giảm hoạt động, đè nặng lên hệ thống phân phối, khiến người dân xếp hàng vào siêu thị mua sắm. Năng lực cung ứng các hệ thống siêu thị hiện tại đã tăng lên tối đa.
Hiện nay, để chuẩn bị cho tình huống các tỉnh thành khác cũng thực hiện Chỉ thị 16, Sở Công Thương đã liên hệ với các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, thậm chí các tỉnh phía Bắc để rà soát lại, tìm nguồn nguyên liệu hàng hoá, để cung ứng cho thành phố.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đại diện Sở Công Thương đề xuất, Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương cùng thống nhất thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Hiện nay, cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, thu mua, sơ chế, chế biến, để đáp ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu.
Bên cạnh đó, công tác vận chuyển nội bộ trong địa phương, các khu cách ly, phong toả, vận chuyển liên tỉnh cũng cần sự thống nhất.
Sở Công Thương cũng sẽ kiến nghị, tăng các điểm cung ứng hàng hoá, từ việc vận động các tổ chức doanh nghiệp có kinh nghiệm kinh doanh hàng hoá và kiến nghị cho các doanh nghiệp này thực hiện bán hàng bình ổn thị trường, để đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân. Đặc biệt, có thể triển khai bán hàng lưu động, ưu tiên cho các khu phong toả, khu cách ly.