Thủ tướng: TPHCM cùng 18 địa phương phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Minh Duy - Trung Chánh
(KTSG Online) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số địa phương. Trong đó, cùng với TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, 16 tỉnh, thành khác ở phía Nam sẽ giãn cách xã hội trong 14 ngày, từ ngày 19-7 tới.
Người dân đi qua một rào chắn phong tỏa ở TPHCM, nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Minh Duy |
Toàn bộ "tứ giác kinh tế" giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Theo văn bản số 969/TTg-KGVX, do Văn phòng Chính phủ đưa ra vào hôm nay (17-7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, toàn thành phố với các địa phương.
Cùng với TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai hiện đang áp dụng Chỉ thị 16, bổ sung thêm các địa phương tại khu vực miền Đông Nam bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL cũng sẽ thực hiện từ 0 giờ ngày 19-7 tới. Như vậy, "tứ giác kinh tế" phía Nam là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đều thực thi theo văn bản nêu trên.
Thời gian thực hiện là trong vòng 14 ngày. Với các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 trước ngày có văn bản 969, Chủ tịch UBND căn cứ vào diễn tiến tình hình dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi quyết định tiếp tục thực hiện việc giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương chủ động, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và các địa phương khác; chỉ cho phép những cơ sở kinh doanh đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng chống dịch hoạt động, không để thừa hoặc thiếu hàng hóa.
Căn cứ vào kết quả thực hiện Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và điều chỉnh các giải pháp để phù hợp, hiệu quả hơn với tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện và thay mặt Thủ tướng giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh theo thẩm quyền.
Trong điều kiện phòng chống dịch cấp bách do chủng mới Delta của SARS-CoV-2 diễn biến nhanh, mạnh và khó lường, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, chia sẻ, ủng hộ việc và thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
Giãn cách xã hội toàn vùng ĐBSCL từ ngày 19-7
Một điểm phong toả tại TP Cần Thơ do dịch Covid-19. Ảnh: Huỳnh Kim |
Cũng tại văn bản 969/TTg- KGVX, Thủ tướng yêu cầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tất cả 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là biện pháp được Chính phủ áp dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 ở các địa phương của vùng này diễn biến khá phức tạp.
Toàn bộ các địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau.
Thời gian áp dụng giãn cách xã hội là 14 ngày, trong đó, thời gian áp dụng đối với các địa phương bổ sung, tức các địa phương vùng ĐBSCL sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không được muộn hơn 0 giờ ngày 19-7-2021.
Các bộ, cơ quan Trung ương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chỉ đạo, phân công của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý đảm bảo nguồn vật tư trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.
Đồng thời lưu ý, kiên quyết không để chặt ngoài, lỏng trong; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỹ luật kịp thời, nghiêm minh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc đảm bảo giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra tụ tập đông người.
Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm.
Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn trong nội bộ tỉnh, thành và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phong, chống dịch; không để thừa thiếu hàng hoá, ách tắc giao thông…
Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 ở các địa phương vùng ĐBSCL diễn biến khá phức tạp khi số lượng ca mắc được phát hiện tăng nhanh. Đặc biệt, 13 trên 13 địa phương trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Mời đọc thêm:
Bộ Y tế hướng dẫn cách điều trị Covid-19
Bộ Y tế phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Janssen của Johnson & Johnson
Chính phủ bàn nhiều giải pháp chống dịch khu vực phía Nam, phối hợp tháo gỡ khó khăn
Sẽ có thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ em vào quí 4