- Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tập trung kiện toàn nhân sự Nhà nước
- Quốc hội và HĐND các cấp phải có tầm nhìn, bản lĩnh và sức sáng tạo mới
435 đại biểu đã tiêm vaccine
So với dự kiến trước đây, kỳ họp đã được rút ngắn 5 ngày; các phương án phòng, chống dịch được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, yêu cầu chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Cũng do tình hình dịch bệnh, sẽ có một số đại biểu ở phía Nam là lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố xin vắng mặt để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân. Có những đồng chí qua quá trình tiếp xúc với F0, tức là trở thành F1 nên được cho phép không tham gia kỳ họp để đảm bảo an toàn chung.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. |
"Hiện đã có 435/499 đại biểu được tiêm vaccine; các lực lượng phục vụ, cán bộ Văn phòng Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các phóng viên báo chí, nhân viên khách sạn... cũng được đề nghị tiêm phòng. Về xét nghiệm, chúng tôi yêu cầu các đại biểu phải xét nghiệm 3 lần trước khi kỳ họp diễn ra" - Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.
Riêng đối với những địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khi về Hà Nội sẽ được bố trí ở riêng, sử dụng phương tiện riêng và phải xét nghiệm đảm bảo âm tính 2 lần, đi vào hội trường theo lối đi riêng, ngồi khu vực riêng, có lực lượng thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Văn phòng Quốc hội cũng có phương án thành lập bộ phận chỉ huy do Bộ Y tế đảm nhiệm để chỉ đạo phòng, chống dịch, có những phòng họp riêng để trong trường hợp phát hiện ca nghi nhiễm sẽ bố trí ngồi riêng, họp trực tuyến. Các kịch bản phòng, chống dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng, có tình huống xử lý, biểu đồ các bước trong phát hiện ca nhiễm; thường xuyên thực hiện việc kiểm tra...
Liên quan việc rút ngắn thời gian kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, dù rút ngắn nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng quyết định của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ làm việc cả hai ngày thứ 7, chỉ nghỉ chủ nhật; nếu cần thiết sẽ làm việc sau 17h. Quãng nghỉ của đại biểu trong thời gian tiến hành công tác nhân sự được tính toán chi li nhất, đẩy chương trình lên cho phù hợp.
"Quy trình, thủ tục không thay đổi mà đẩy thời gian sít sao hơn, các nội dung, phần việc liên tiếp nhau. Việc rút ngắn thời gian nhằm mục đích để các đồng chí lãnh đạo, đại biểu có thể về địa phương tiếp tục tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch và thực hiện mục tiêu "kép", vừa phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", ông Bùi Văn Cường lý giải.
Kiện toàn 50 nhân sự cấp cao của Nhà nước
Tổng Thư ký Quốc hội cũng thông tin, kỳ họp này sẽ kiện toàn 50 chức danh Nhà nước ở Quốc hội và Chính phủ (trước đây khối Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng, kỳ này kiện toàn chỉ còn 4 Phó Thủ tướng nên giảm 1 chức danh, thay vì 51 như kỳ trước, nay chỉ còn 50 chức danh). Các chức danh khối tư pháp, Hội đồng Quốc phòng và An ninh cũng kiện toàn.
Toàn cảnh họp báo. |
Về băn khoăn của phóng viên, việc kiện toàn nhân sự cấp cao từ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp sắp tới không thay đổi, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, liên thông về công tác cán bộ, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn một bước về nhân sự. Bước vào nhiệm kỳ mới, các cơ quan Nhà nước hoạt động theo nhiệm kỳ nên tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao của Quốc hội, Chính phủ là phù hợp, đúng Hiến pháp và quy định của pháp luật.
"Tôi nghĩ rằng, theo quy định của Hiến pháp và các quy định của pháp luật, việc kiện toàn các chức danh Nhà nước và thực hiện các nghi lễ càng khẳng định các vị trí, và thông qua các nghi lễ như thế thể hiện tính cam kết, việc thực hiện lời hứa của các chức danh cấp cao của bộ máy Nhà nước đối với Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân cả nước trong việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình", Trưởng Ban công tác đại biểu nêu quan điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, tại kỳ họp lần này, các chức danh được kiện toàn đã được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thông qua các đề án của Quốc hội, Chính phủ. Trước mắt, tổ chức bộ máy của Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh gồm: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Đề án đã được xem két kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ 2016 - 2021 và trên cơ sở cân nhắc tổng thể về công tác cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.