- Quốc hội và HĐND các cấp phải có tầm nhìn, bản lĩnh và sức sáng tạo mới
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk
- Chủ tịch Quốc Hội thăm, tặng quà người lao động Đắk Lắk
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 11,5 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 31/7). Để tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình kỳ họp; các điều kiện bảo đảm và phương thức tổ chức kỳ họp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công rất tốt đẹp; đặc biệt, chúng ta đang tích cực triển khai công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 – đợt dịch bùng phát lần thứ tư với diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở các địa phương trong cả nước. Kỳ họp lần này có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế- xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Toàn cảnh họp báo. |
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự, cụ thể như sau: Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên UBTVQH; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên UBTVQH; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao sẽ làm Lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Quốc hội xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thông tin, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Năm 2022 Quốc hội thông qua 9 dự án luật, 1 nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo dự thảo Nghị quyết, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp). Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022: Tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) Quốc hội sẽ thông qua 6 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng cho ý kiến về 3 dự án luật, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội thông qua 3 dự án luật, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Quốc hội cho ý kiến 1 dự án luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). |