Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang đứng trước nguy cơ đi vào bế tắc khi căng thẳng trong khu vực có chiều hướng tiếp tục gia tăng, tờ South China Morning Post đưa tin.
Đàm phán quy tắc ứng xử Biển Đông “có khả năng nối lại”, nhưng “kết thúc trong bế tắc”
Việc Bắc Kinh thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc và liên tục kêu gọi đẩy nhanh quá trình này được coi là nỗ lực ngăn chặn Mỹ can dự vào các tranh chấp về các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Các nhà ngoại giao từ Trung Quốc và các nước ASEAN đã hoàn thành lần đọc đầu tiên "dự thảo văn bản đàm phán" của bộ quy tắc vào tháng 7-2019, song không có tiến bộ đáng kể nào kể từ đó. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 khiến việc tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp trở nên khó khăn hơn.
Một tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Philippines tiếp cận các tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu ( thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: EPA
Theo SCMP, các nhà ngoại giao Trung Quốc và các nước ASEAN đã cam kết khởi động lại các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử càng sớm càng tốt khi họ gặp nhau vào tháng trước.
Ông Carl Thayer - Giáo sư tại Đại học New South Wales, Úc - cho biết các cuộc đàm phán chính thức giữa Trung Quốc và ASEAN "có khả năng cao" sẽ được nối lại.
“Trung Quốc gây áp lực buộc ASEAN phải hoàn tất các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp vào các vấn đề ở Biển Đông. Các thành viên ASEAN cũng muốn nối lại các cuộc đàm phán như một biện pháp kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là… ASEAN không vội vàng hoàn thành một thỏa thuận… không có tính ràng buộc” - ông nhận định.
Ông Thayer cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
“Có ít nhất bốn vấn đề chính cần được giải quyết trước khi có thể đạt được thỏa thuận, gồm phạm vi địa lý, tình trạng pháp lý của quy tắc ứng xử, các biện pháp thực thi và vai trò của các bên thứ ba không được đề cập trong dự thảo hiện tại” - ông cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Sĩ Tồn - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), việc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn trong khu vực cũng khiến các bên tranh chấp trở nên thận trọng hơn, dẫn đến việc “ít sẵn sàng” thúc đẩy các cuộc đàm phán hơn.
"Sự gia tăng quyền lực cứng của Trung Quốc ở Biển Đông không đồng thời dẫn đến sự gia tăng quyền lực mềm. Ngoài ra, vẫn còn đó sự bất bình và thù địch từ các nước ven biển đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy, họ vẫn e ngại về việc liệu Trung Quốc có đang tìm kiếm sự thống trị trong việc xây dựng quy tắc trong khu vực thông qua các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử hay không” - ông Ngô cho biết.
Ông nói, hoạt động quân sự gia tăng của Mỹ ở Biển Đông cũng có thể khiến tiến trình đàm phán Bộ quy tắc trở nên phức tạp hơn.
Theo ông Ngô, động thái của Mỹ “có thể khiến Trung Quốc và các nước ASEAN ngày càng khó đạt được thỏa thuận về văn bản quy tắc ứng xử, và có nguy cơ các cuộc đàm phán thậm chí có thể kết thúc trong bế tắc”.
Tranh chấp Biển Đông ngày càng gay gắt
Khu vực Biển Đông từ lâu đã là tâm điểm của sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ. Vào ngày 12-7, quân đội Trung Quốc đã yêu cầu một tàu chiến Mỹ rời khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi mà chính quyền Bắc Kinh nhiều lần đơn phương tuyên bố là của mình.
Trong khi đó, theo ông Thayer, các bên tranh chấp khác dường như đang cứng rắn trong việc chỉ trích Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố rằng Manila sẽ phản đối ngoại giao "mỗi ngày" cho đến khi hàng trăm tàu cá của Trung Quốc đang neo đậu ở vùng biển đang tranh chấp biến mất.
Trước đó, Bắc Kinh cho biết các tàu tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) chỉ là đang trú ẩn lúc biển động.
Tuần trước, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã công bố một báo cáo nêu chi tiết và phân tích động thái của Trung Quốc liên quan đến các hoạt động phát triển dầu khí của Malaysia trên Biển Đông.
Báo cáo cho biết tàu hải cảnh CCG 5043 của Trung Quốc đã hoạt động gần mỏ khí đốt Kasawari ngoài khơi bang Sarawak, Malaysia vào ngày 4-6 sau khi một sà lan đặt ống thuộc công ty Sapura Energy (Malaysia) đến khu vực này cùng nhiều tàu hỗ trợ.
Trước đó, vào ngày 1-6, 16 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần bờ biển phía đông của Malaysia. Malaysia ngay lập tức điều chiến đấu cơ đánh chặn 16 máy bay Trung Quốc sau khi các máy bay này phớt lờ liên lạc với kiểm soát viên không lưu khu vực.
AMTI cho biết hoạt động của lực lượng tuần duyên Trung Quốc gần mỏ khí đốt của Malaysia dường như vẫn đang tiếp tục, cho biết thêm đây “ít nhất là lần thứ ba kể từ mùa xuân năm ngoái, lực lượng tuần duyên Trung Quốc quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng của Malaysia”.