vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành mía đường Thái Lan chịu sức ép lớn vì hạn hán và mối lo ngại sức khỏe

2021-07-18 17:03

Ngành mía đường Thái Lan chịu sức ép lớn vì hạn hán và mối lo ngại sức khỏe

Khánh Lan

(KTSG Online) - Nông dân trồng mía ở Thái, một trong những nước có năng suất mía cao nhất thế giới, đang đối mặt với hai thách thức lớn: tình hình hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và ý thức sức khỏe ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Xe tải chở mía đến một nhà máy đường ở tỉnh Suphan Buri, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Theo dự báo của Tập đoàn các nhà máy sản xuất mía đường Thái Lan (TSMC), sản lượng đường nội địa trong niên vụ 2020-21 (từ tháng 11-2020 đến tháng 10-2021) sẽ đạt khoảng 6,6 triệu tấn, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua và chưa bằng một nửa so mức sản lượng kỷ lục 14,7 triệu tấn trong niên vụ 2017-18. Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc TSMC, nói rằng sản lượng đường suy giảm chủ yếu do sản lượng mía không đạt kỳ vọng. Ông nói: “Các nhà máy đường dự báo sản lượng mía chỉ đạt khoảng 70-75 triệu tấn trong niên vụ mới”.

Hạn hán là một yếu tố chính ảnh hưởng đến sản lượng mía. Thái Lan ghi nhận lượng mưa ít hơn bình thường ngay cả trong mùa mưa năm nay. Hồi tháng 5, nội các Thái Lan đã phê duyệt gói ngân sách 6 tỉ baht để trợ cấp cho 300.000 nông dân trồng mía vốn đang chứng kiến sản lượng mía suy giảm do hạn hán kéo dài. Biện pháp trợ cấp này khuyến khích họ thu hoạch mía để đưa đến các nhà máy đường , thay vì đốt bỏ, gây ô nhiễm không khí.

Dự kiến mỗi nông dân sẽ nhận được 120 baht (84.000 đồng Việt Nam) cho mỗi tấn mía mà họ thu hoạch trong niên vụ 2020-2021. Để thích nghi với hiện tượng nóng lên của trái đất, nhiều nông dân trồng mía ở Thái Lan đang chuyển sang trồng sắn, loại cây có khả năng chống chịu hạn tốt hơn.

Thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan cũng phần nào giải thích cho sự sụt giảm sản lượng mía đường trong những năm gân đây. Nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe như bệnh béo phì và tiểu đường, Thái Lan bắt đầu áp thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm đối với đồ uống có đường từ năm 2018. Thuế sẽ tăng dần dựa vào hàm lượng đường có trong 100 ml của sản phẩm được chia theo 5 mức 6-8 g, 8-10 g, 10-14 g, 14-18 g và trên 18 g.

Thuế này cũng tăng theo một lộ trình 4 giai đoạn để giúp các nhà sản xuất đồ uống có thời gian điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Trong giai đoạn từ tháng 10-2019 đến tháng 9-2021, mức thuế đối với sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường 10-14 g/100 ml tăng từ 0,5 lên 1 baht, đối với sản phẩm có hàm lượng đường 14-18 g/100 ml sẽ tăng từ 1 baht lên 3 baht. Những sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường hơn 18 g/100 ml chịu mức thuế 5 baht so với mức 1 baht trước đây.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường dự kiến sẽ tăng đợt thứ 3 vào tháng 10 tới nhưng chính phủ Thái Lan có thể bị hoãn lại để giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp đồ uống, vốn đang chịu tổn thương trong đại dịch Covid-19.

Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm đã không khuyến khích các nhà sản xuất đồ uống ở Thái Lan phát triển các sản phẩm đồ uống có đường mới. Nguồn cung mía đường thắt chặt hơn và thuế cao hơn đối với đồ uống đường có khả năng làm tăng chi phí đối với các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống và tiếp tục làm giảm nhu cầu đường, gây tổn thương các nông dân trồng mía và các nhà máy đường.

Các nhà sản xuất đồ uống đang pha chế các đồ uống ít ngọt hơn khi người tiêu dùng hướng đến các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn. Coca-Cola gần đây đã tung ra một nhãn hiệu nước ngọt không đường mới. Các đối thủ cạnh tranh của họ cũng đang làm như vậy. TCP Group, công ty sản xuất sản phẩm nước tăng lực nổi tiếng Red Bull, cũng mới ra mắt một loại đồ uống mới với ít đường hơn và bổ sung chiết xuất nhân sâm Hàn Quốc.

Với việc khách hàng đang ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của họ hơn, các nhà phân tích cho biết các nhà sản xuất đồ uống đang bổ sung các chất chiết xuất tự nhiên và vitamin vào sản phẩm của họ để giữ chân khách hàng.

Chẳng hạn hồi tháng 6, Công ty Osotspa, nhà sản xuất và phân phối các sản phẩm tiêu dùng hàng đầu Thái Lan ra mắt  sản phẩm nước tăng lực Lipo-fine, dành riêng cho phụ nữ hiện đại. Sản phẩm này hoàn toàn không có đường, có hương vị trái cây hỗn hợp và mật ong tự nhiên.

Tại Thái Lan, doanh số từ đồ uống chức năng và đồ uống đặc biệt đã tăng từ 7 tỉ baht vào năm 2018 lên 9,2 tỉ baht vào năm 2020. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi giá đường tăng và nỗ lực duy trì thị phần trên thị trường nước giải khát Thái Lan.

Một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (Thái Lan) cho biết: “Người tiêu dùng rất lo ngại về sức khỏe và chúng ta có thể thấy rằng các nhà sản xuất đồ uống đang tự điều chỉnh để thích nghi với tình hình”. Nhà phân tích này cũng cho rằng giá đường tăng cao do sản lượng giảm là một nguyên nhân nữa khiến các nhà sản xuất đồ uống giảm giảm lượng đường trong sản phẩm của họ.

Tại Thái Lan, hơn 5 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, khiến chính phủ tiêu tốn hàng tỉ baht mỗi năm cho y tế cộng đồng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường đã kìm hãm thị trường nước giải khát có đường của Thái Lan với doanh số dự báo giảm xuống còn 10,4 tỉ baht (320 triệu đô la Mỹ) trong năm nay, giảm so với mức doanh số 13,1 tỉ baht vào năm 2017 trước khi thuế này được áp dụng.

Dù vậy, thị trường nước giải khát tổng thể (có đường và không đường) vẫn đang tăng trưởng ở Thái Lan. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn dự báo thị trường nước giải khát tổng thể sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2021, lên gần 200 tỉ baht (6,1 tỉ đô la Mỹ).

Mía đường là một trong cây trồng quan trọng nhất ở Thái Lan, đang cung cấp hơn 1,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tạo ra doanh thu tổng cộng hơn 180 tỉ baht mỗi năm. Thái Lan xuất khẩu khoảng 70-75% sản lượng đường của nước này mỗi năm và đang là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Thái Lan có 57 nhà máy đường với công suất ép mía gần 984.000 tấn mía mỗi ngày. Mía đang được trồng ở 47 tỉnh của Thái Lan với tổng diện tích trồng hơn 1,8 triệu héc ta.

Theo Nikkkei Asian Review, Bangkok Post

Xem thêm: lmth.eohk-cus-iagn-ol-iom-av-nah-nah-iv-nol-pe-cus-uihc-nal-iaht-gnoud-aim-hnagn/294813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành mía đường Thái Lan chịu sức ép lớn vì hạn hán và mối lo ngại sức khỏe”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools