Tối ngày 18-7, Sở Công thương Hà Nội đã phát ra thông cáo về việc đảm bảo hàng hoá phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19. Sở này cho biết, trước diễn biến dịch phức tạp, Sở Công thương đã triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung đối với các nhóm hàng nhu yếu phẩm để phục vụ người dân trong mọi kịch bản diễn biến của dịch COVID-19, kể cả trong tình huống dịch diễn biến xấu nhất.
Chiều ngày 18-7, Sở Công thương đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về chuẩn bị hàng hoá phòng chống dịch. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng lượng dự trữ khoảng 30-50% lượng hoàng hoá thiết yếu. Các doanh nghiệp cũng bố trí phương tiện, nguồn nhân lực để vận chuyển hàng hoá đến các điểm bán hàng xuyên đêm.
“Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng hoá phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng” - Sở Công thương khẳng định.
Người dân đổ xô đi mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart tại Khu đô thị Time City vào chiều ngày 18-7
Theo Sở Công thương Hà Nội hiện các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hoá theo phương án 5 của Sở, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Lượng hàng hoá dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 hiện nay là 5.698 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đề nghị các hệ thống phân phối chủ động nắm sát tình hình dịch, chỉ đạo của Trung ương và TP để có phương án chi tiết về đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng phục vụ người dân. Tuyệt đối không để thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, lưu thông hàng hoá thông suốt.
Sở này cũng đề nghị các hệ thống phân phối đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch tại các điểm bán hàng, đảm bảo an toàn cho người lao động. Sở Công thương khẳng định sẵn sàng huy động 236 xe trung dụng tại các quận, huyện để cùng nhà cung cấp kịp thời đưa hàng đến các điểm bán lẻ. Tổng công ty vận tải Hà Nội cũng huy đọng phương tiện để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hoá từ các tỉnh về Hà Nội để phục vụ người dân. Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng háo không để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá.
Hiện trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 cuối, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá cùng với hàng vạn cửa hàng tạp hoá để phục vụ nhu cầu của người dân. Hà Nội cũng bố trí sẵn sàng 1.920 kho hàng tại các quận, huyện và các điểm bán hàng lực động khi cần thiết.
“Trong bất kỳ tình huống nào hàng hoá cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao” - Sở công thương khẳng định và khuyến cáo người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hoá, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối để tránh lây nhiễm dịch.