Nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó. Trong ảnh: một doanh nghiệp FDI xuất khẩu hệ thống băng tải xử lý than đến cảng Onahama, tỉnh Fukushima, Nhật Bản - Ảnh: D.S.
* Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI):
Thêm thời gian tiếp xúc, lắng nghe doanh nghiệp
Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021 đã báo hiệu một nhiệm kỳ đầy cam go của Chính phủ mới. Mặc dù GDP đang phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng 5,64% là chưa đạt kỳ vọng và tình hình theo dự báo sẽ tiếp tục xấu vì dịch.
Một hiện tượng nữa cũng đang rất cần lưu ý là đang có sự phân hóa tương đối lớn giữa các khu vực kinh tế.
Khu vực FDI phục hồi mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm gần như giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chỉ đạt mức 3,96%, tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là 3,82% và kém xa (chưa bằng một nửa) tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng (8,36%).
Sự tương phản này là hệ quả của COVID-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đang khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ bị tổn thương nặng nề. Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, các nguồn lực đang dần cạn kiệt.
Nói cách khác, lĩnh vực dịch vụ (ngoài dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) đang là tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải... đang chết dần, chết mòn và nhiều khả năng sẽ không thể vực dậy sau đại dịch nếu không có sự hỗ trợ cấp bách và mạnh mẽ từ Nhà nước.
Với các ngành dịch vụ, Chính phủ cần trợ giúp nhiều hơn nữa. Nhưng biện pháp căn cơ vẫn là phải áp dụng "hộ chiếu vắc xin" càng sớm càng tốt, áp dụng đối với cả các công dân Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi. Có như vậy, việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong nước mới có thể diễn ra nhanh chóng.
Tôi mong muốn trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
* TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Nói ít làm nhiều nhưng thách thức còn lớn
Phải dành nhiều thời gian cho hoạt động bầu cử nhưng trong 100 ngày qua, dấu ấn điều hành của Thủ tướng mới đã rõ nét.
Chiến lược vắc xin là một ví dụ cụ thể. Ông tập trung ngay mọi nỗ lực của mình cho công việc này. Tiếp xúc với rất nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế để vận động tài trợ vắc xin; động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vận động để mua được càng nhiều vắc xin cho đất nước càng tốt; tìm cách tháo gỡ cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước... là những cố gắng không mệt mỏi của ông.
Có vẻ Thủ tướng Phạm Minh Chính là một người thực tiễn, nói ít, làm nhiều. Nhưng thách thức trước mắt là rất lớn.
Trước hết, đó là sự bùng phát có vẻ ngoài dự kiến của đại dịch COVID-19. Càng ngày phép cân đối giữa bảo vệ sức khỏe của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế càng khó.
Ngoài ra, vượt qua dịch bệnh là một việc, còn bắt kịp với thế giới lại là việc khác. Chúng ta có thể đã đi trước thế giới trong khống chế dịch, nhưng rủi ro trong tạo ra miễn dịch cộng đồng là rất lớn. Về sau có nghĩa là trở lại với cuộc sống bình thường sau. Mà như vậy, cơ hội phục hồi kinh tế chắc ít hơn cho người về muộn.
Đại dịch cũng lấy đi rất nhiều nguồn lực. Thiếu hụt các nguồn lực để thúc đẩy các ưu tiên chiến lược như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... là thách thức rất lớn mà Thủ tướng phải đối mặt.
Tuy nhiên, xác lập các ưu tiên chiến lược đúng đắn, điều hành thiên về kỹ trị - nói ít, làm nhiều - là một thế mạnh của Thủ tướng. Chúng ta có cơ sở để tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự ủng hộ của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chèo lái các công việc của đất nước vượt qua thách thức và đạt được những thành tựu mới.
TTO - Sau khi Trung ương lấy phiếu giới thiệu nhân sự 23 chức danh để Quốc hội khóa XV bầu và phê chuẩn, "bộ khung" Chính phủ sẽ được giữ nguyên (ngoại trừ Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nghỉ).
Xem thêm: mth.73982352281701202-cuht-hcaht-ueihn-iaig-aoh-uhp-hnihc-gnah-tad/nv.ertiout