Ngày 17/7, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Đường bộ
Về việc đảm bảo luồng xanh cho vận tải, lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, một trong những ách tắc nhất liên quan đến yêu cầu lái xe, người đi trên xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, mỗi địa phương có yêu cầu loại xét nghiệm khác nhau (xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh), thời gian hiệu lực khác nhau (3, 5 hoặc 7 ngày)…
Trả lời việc này Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh, do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên và các bệnh viện (cả công và tư nhân) thực hiện và đóng dấu xác nhận.
"Các tài xế hoàn toàn được miễn phí khi thực hiện xét nghiệm nhanh tại các điểm này. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện chỉ thị 16.
Với xe chở hàng, không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, xe phải được khử khuẩn, lái xe được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác… Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt.
Với người dân, Chỉ thị 16 yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, cấp cứu, thiên tai, hỏa hoạn,... Trong trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp trên, người dân cần có lý do chính đáng hoặc giấy thông hành do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp.
Đường hàng không
Cục Hàng không chiều 18/7 đã có văn bản gửi các hãng hàng không yêu cầu dừng tất cả đường bay nội địa đến các tỉnh phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội , chỉ duy trì một vài đường bay tối thiểu.
TP.HCM: UBND quận 7 lên tiếng về clip người làm từ thiện tố bị "xé rách đồ bảo hộ"
Dịch Covid-19 xâm nhập các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM: Đỉnh điểm có nơi 700 ca
Hơn 500 vụ nhậu nhẹt, đánh bài,... ở TP.HCM ngay khi đang có Chỉ thị 16?
Theo đó, các hãng hàng không sẽ dừng tất cả các đường bay nội địa chở khách đi, đến các cảng hàng không thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội. Bao gồm cả sân bay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cà Mau (Cà Mau), Rạch Giá (Kiên Giang) áp dụng từ 0 giờ ngày 19.7 đến 1.8.
Các hãng chỉ được phép khai thác các đường bay tối thiểu sau:
Phú Quốc - Hà Nội: 1 chuyến/ngày; Cần Thơ - Hà Nội: 1 chuyến/ngày; TP.HCM - Hà Nội: các hãng tổ chức khai thác với tần suất và tải cung ứng như quy định trước đó ngày 8/7 (tần suất giảm xuống 1.700 ghế/chiều/ngày).
Tất cả hành khách trên các chuyến bay nội địa nêu tại điểm 2 bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Đường sắt
Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn đã thông báo việc tạm dừng đón trả khách tại nhà ga này dự kiến đến ngày 23/7, nếu kéo dài hơn sẽ có thông báo mới. Đơn vị cũng thông báo huỷ chạy đôi tàu SE3 và SE4, theo lịch trình xuất phát tại ga Hà Nội, Sài Gòn các ngày từ 10-23/7.
Như vậy, trên tuyến đường sắt Bắc Nam từ ngày 10/7 chỉ duy trì đôi tàu khách SE7 và SE8, nhưng không đón trả khách ga Sài Gòn.
Ngoài ga Sài Gòn, trước đó Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn đã tạm ngưng đón khách lên tàu tại ga Dĩ An (Bình Dương).
Tổng hợp
T.Hà
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ